Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TS Trần Du Lịch: TP Hồ Chí Minh muốn phát triển xứng tầm phải có giải pháp đột phá

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, để TP Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm, cần phải có những giải pháp đột phá trong thời gian tới.

Tiềm năng chưa được phát huy
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đặt vấn đề: “Làm gì để TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống “Năng động, sáng tạo” và giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước…?"
 Quang cảnh hội thảo
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, có thể hình dung một cách tổng quát, trong 10-15 năm nữa, TP Hồ Chí Minh sẽ là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương. TP Hồ Chí Minh sẽ vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, trong đó nổi bật là một trung tâm tài chính của khu vực và vươn tầm quốc tế. Cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh sau năm 2035 sẽ giống cơ cấu kinh tế của các nền kinh tế phát triển (hậu công nghiệp), với các ngành dịch vụ cao cấp dựa trên công nghệ số giữ vai trò chi phối…
“Vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với phía Nam và cả nước đã được xác định từ đầu thập niên 1980… nhưng đến nay dường như đang “đuối tầm” ngay cả là vai trò của một đầu tàu tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và cả nước…Cho đến nay, tuy TP Hồ Chí Minh vẫn đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước, nhưng tỷ trọng trong một số ngành và lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu; giá trị sản xuất công nghiệp; dịch vụ tín dụng - ngân hàng; thu hút đầu tư… đều giảm dần… Nhìn lại quá trình phát triển TP Hồ Chí Minh trong 20 năm gần đây cho thấy, nhiều vấn đề đặt ra cho bài toán phát triển bền vững của một “siêu đô thị”, cho đến nay không những không giải quyết được, mà ngày càng gay gắt hơn ” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận xét.
Tiến sĩ Trần Du Lịch chỉ ra những hạn chế, cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh về địa - kinh tế; nguồn nhân lực; tiềm năng khoa học – công nghệ… và nhất là truyền thống năng động, sáng tạo của người dân TP… Từ giữa thập niên 1990, với định hướng về quy hoạch không gian đô thị theo hướng “đa trung tâm” với hệ thống giao thông kết nối theo đường “vành đai” 1.2.3… gắn TP với cả vùng KTTĐPN... Nhưng cho đến nay, dường như việc xây dựng đô thị vẫn theo kiểu “hướng tâm”, phát triển theo “vết dầu loang” và thậm chí chưa hình thành trọn vẹn được 1 đường “vành đai” nào. Hậu quả không chỉ là, mục tiêu tăng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng theo các mốc thời gian 2010; 2020… bị nhiều lần lỡ hẹn. Các chương trình chống ngập, chống kẹt xe thực hiện càng khó khăn hơn và đang là trở lực trong việc khai các thế mạnh về cảng biển - logictics trên địa bàn.
Sự bất cập trong mô hình quản lý một đô thị “loại đặc biệt” như TP Hồ Chí Minh đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000, với sự hình tượng rất dễ hiểu là “TP mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”. Từ đó, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị đặt ra và việc xây dựng đề án được tiến hành, nhưng cho đến nay vẫn chỉ đươc triển khai một phần nhỏ trong đề án này… Thách thức đối với sự phát triển TP trong 10 năm tới phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế, để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế; phải làm thế nào TP Hồ Chí Minh trở thành “một điểm đến” thu hút các doanh nghiệp toàn cầu; là điểm ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng chính là thách thức đối với TP Hồ Chí Minh.
Cần phải có giải pháp đột phá
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, định hướng cơ cấu kinh tế TP Hồ Chí Minh trên quan điểm kinh tế vùng, xác lập vai trò “hạt nhân” phát triển vùng KTTĐPN, hình thành cơ cấu kinh tế vùng…
 Một góc TP Hồ Chí Minh hiện nay
Kinh tế TP Hồ Chí Minh khác với kinh tế quốc gia. Điểm khác biệt cơ bản là kinh tế TP là kinh tế đô thị. Phát triển đô thị và phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với nhau. Giải quyết các vấn đề phát triển đô thị sẽ tạo động lực phát triển kinh tế. Trong vài thập niên tới “một siêu đô thị “của vùng TP Hồ Chí Minh sẽ hình thành. Do đó, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất là phải triển khai hiệu quả quy hoạch vùng đô thị TP Hồ Chí Minh.
Cần có chính sách và giải pháp mang tính đột phá trên cơ sở nhận định những vấn đề đang đặt ra đối với TP, trong những năm tới cần ưu tiên những chính sách và giải pháp mang tính đột phá về hạ tầng, thể chế…
Về hạ tầng, cần có sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng: Giao thông kết nối vùng theo quy hoạch giao thông TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt… Cần có biện pháp đột phá để thực hiện cho kỳ được trong 5 năm tới: Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành- Dầu Giây 55 km (6-8 làn xe); cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành 69 km (6-8 làn xe); cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài 55km (4-6 làn xe); cao tốc Bến Lức - Long Thành 58 km (6-8 làn xe); cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu 76 km (6-8 làn xe). Mở rộng 8 làn xe cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương 40 km. Các đường vành đai kết nối vùng: 2, 3 và 4, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong 5 năm tới…
Về thể chế, cần một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của TP…
Cần đặt TP Thủ Đức đúng vị trí vai trò động lực phát triển của TP Hồ Chí Minh trong 10 năm tới. TP Thủ Đức bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức có diện tích khoảng 211 km2, dân số hiện hữu hơn 1 triệu người, với quy mô diện tích, dân số, mức độ đô thị hóa và quy mô kinh tế, TP Thủ Đức được xếp vào đô thị loại I.
Theo quy hoạch, TP Thủ Đức có dân số khoảng 1,5 triệu người và cũng là địa bàn đang đô thị hóa khá nhanh. Nếu xét về quy mô diện tích, TP Thủ Đức có quy mô gấp 1,5 lần so với 13 quận nội thành của TP Hồ Chí Minh… Nếu nhìn trên quan điểm kinh tế vùng và vùng đô thị, việc xây dựng TP Thủ Đức chính là bước đột phá để đẩy nhanh quá trình phát triển của các đô thị phía Đông của vùng đô thị TP Hồ Chí Minh.
Do đó, động lực tăng trưởng kinh tế cần dựa vào 5 trụ cột: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, sản phẩm công nghệ; dịch vụ cảng và logistics; giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ gắn với trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường tài chính gắn với xây dựng trung tâm tài chính và thương mại Thủ Thiêm; thị trường bất động sản gắn với quá trình đô thị hóa. Nếu trong 10 năm tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bình quân khoảng 7,5-8%/ năm, thì kinh tế trên địa bàn TP Thủ Đức chủ yếu dựa vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao nên sẽ kỳ vọng tăng trưởng bình quân hàng năm 2 con số…