TS Vũ Tiến Lộc: Gói hỗ trợ quan trọng nhất là những cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Gói hỗ trợ quan trọng nhất chính là những cải cách thể chế mạnh mẽ, cắt giảm mạnh mẽ về các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp…” - ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay tại hội thảo trực tuyến ''Nhìn lại kinh tế vùng năm 2021 và kịch bản năm 2022'' do VCCI Cần Thơ cùng VIAC tổ chức ngày 10/12.

Đẩy mạnh cải cách thể chế
Theo TS Vũ Tiến Lộc, 2021 là năm gặp rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có tới 94% DN gặp phải khó khăn, mỗi tháng có khoảng 1 vạn DN rút khỏi thị trường. Tại các tỉnh phía Nam, 98% DN thiệt hại nặng nề, đặc biệt là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Việc giãn cách kéo dài dẫn đến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất đình trệ, hệ thống giao thông vận tải hàng hóa bị gián đoạn, ở nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh ở trạng thái ''đóng băng'' hoặc suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt thời kỳ đỉnh dịch ở quý 3…
Doanh nghiệp cần hỗ trợ về cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính. Ảnh: G.Lam 
Chủ tịch VIAC cho rằng, tất cả hệ quả đó chủ yếu là do tác động của đại dịch. Mặt khác, cũng do cách ứng xử của chúng ta chưa thật sự hợp lý ở một số thời điểm. Sự điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch gần đây là tín hiệu tích cực và cộng đồng DN cũng đã có những nỗ lực vượt bậc. Phần lớn DN đã tích cực chuẩn bị các phương án, kế hoạch mới nhằm thích ứng nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay. Nhiều DN đã chuyển sang hình thức số hóa, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và duy trì được sản xuất kinh doanh…
“Có thể thấy rằng, đại dịch cũng là một đại họa nhưng đồng thời cũng là một cái màng lọc hiệu quả, giúp thị trường giữ lại các DN có sức cạnh tranh để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tình hình mới. Đó là một cuộc sàng lọc rất đau đớn nhưng cũng cần thiết cho sự phát triển” – ông Vũ Tiến Lộc nói, đồng thời cho rằng quyết định sống chung là phù hợp để tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế và dân sinh, tránh trì trệ, bởi quý 3 nền kinh tế của chúng ta đã lỡ nhịp với nền kinh tế toàn cầu.
Nguyên Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay các địa phương đã có kế hoạch hồi phục nền kinh tế, Chính phủ đang trình Quốc hội những gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, kích thích nền kinh tế. Tùy thuộc vào khả năng của ngân sách nhà nước và đảm bảo hiệu quả, đặc biệt là phải đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu quan trọng bậc nhất là duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô…
Cũng theo TS Lộc, gói hỗ trợ quan trọng nhất chính là những cải cách thể chế mạnh mẽ, những cắt giảm mạnh mẽ về các thủ tục hành chính trong quá trình kinh doanh. Đây cũng là giai đoạn thích hợp để đẩy mạnh cải cách thể chế để hỗ trợ cho DN.
“Quốc hội đã có quyết định cơ chế đặc thù cho các địa phương, bây giờ chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội có cơ chế đặc thù về thủ tục hành chính cho giai đoạn phục hồi kinh tế 2022 - 2023. Hỗ trợ về tiền bạc là cần thiết, nhưng cần thiết nhất là sự giải phóng về thể chế, về cơ chế thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN có thể đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh các dự án thì họ sẽ huy động được nguồn lực”, TS Lộc nói.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ chính sách
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Long An cho rằng, các DN tại Long An đã mạnh dạn trong khoảng thời gian vừa chống dịch vừa chuyển đổi số mạnh mẽ, đã góp phần rất quan trọng trong phát triển sản xuất. Đến nay chính quyền tỉnh đã cho DN tự chủ trong việc hoạt động sản xuất kinh doanh, tự cách ly, điều trị, nếu có trường hợp nặng thì chuyển lên bệnh viện của tỉnh.
“Bản thân người lao động đã có ý thức, DN cũng đã có ý thức tự chủ, nhờ vậy các DN trên địa bàn Long An hầu như đã quay lại hoạt động. Cái khó hiện nay là thiếu hụt lao động bởi vì dịch bệnh vẫn còn, đặc biệt là ở khu vực miền Tây”, ông Võ Quốc Thắng nói, đồng thời cho rằng xu hướng tâm lý của người dân là chờ đợi ăn Tết xong mới quay lại làm việc.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Long An, gần đây Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều thảo luận làm sao để hỗ trợ DN, song hỗ trợ tiền chỉ là phần nhỏ, thực tế DN cần là hỗ trợ chính sách. Một chính sách làm chậm bước đi của DN có thể gây thiệt hại rất lớn cho DN trong sản xuất kinh doanh. Có những chính sách chồng chéo, trong luật không quy định nhưng nghị định ban hành sau và cơ quan chức năng lại áp dụng nghị định. 
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Long An đánh giá cao việc Chính phủ đã mạnh dạn, cương quyết trong xóa bỏ tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” trong chống dịch. Chính quyền tỉnh Long An đã ngồi lại với Hiệp hội DN để trao đổi, thậm chí có lúc tranh luận với nhau để tìm biện pháp nhằm mục đích vừa hài hòa giữa hoạt động sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động vừa hạn chế tối đa những vướng mắc phát sinh do công tác phòng chống dịch.
Đối với ĐBSCL, ông Võ Quốc Thắng cho rằng, từ vùng đất phì nhiêu, giàu có thì hiện nay đang được nhìn nhận ở góc độ khu vực có nhiều khó khăn, chậm phát triển bởi các yếu tố cơ sở vật chất hạ tầng. ĐBSCL có nhiều sông rạch, nếu tổ chức tốt thì chi phí logistics sẽ rất thấp. “1 container nếu đi đường thủy sẽ tốn chi phí không quá 1 triệu đồng trong khi nếu đi đường bộ phải mất 5 - 6 triệu đồng”, ông Võ Quốc Thắng ví dụ.
Bà Võ Thị Thu Hương – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, quý 3/2021, cả nước có 18.400 DN thành lập mới (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020) với số vốn đăng ký hơn 283 nghìn tỷ đồng (giảm 65%). Trong đó, vùng ĐBSCL có 981 DN (giảm 66%) với số vốn 19,7 nghìn tỷ đồng (giảm 44%).
Trong bối cảnh chung của cả nước về tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu, vùng ĐBSCL lại chịu tác động tiêu cực nhiều trong quý 3/2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng trong tháng 9 thấp nhất trong 9 tháng đầu năm, với giá trị chỉ hơn 1 tỷ USD (thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán).
Trong tháng 11/2021, cả nước có 105 nghìn DN thành lập mới (giảm 15%) với số vốn đăng ký hơn 1,45 triệu tỷ đồng (giảm 23%), đồng thời có 52.108 DN tạm ngừng kinh doanh (tăng 17% so với cùng kỳ) và 39.469 DN chờ làm thủ tục giải thể (tăng 17%). Riêng vùng ĐBSCL tháng 11/2021 có 7.533 DN thành lập mới, 8.955 DN tạm ngừng kinh doanh và chờ làm thủ tục giải thể.
Theo đại diện VCCI Cần Thơ, vùng ĐBSCL đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đây là rào cản nhất định đối với vùng kinh tế vốn dĩ có nhiều khó khăn hiện hữu, đòi hỏi sự linh hoạt, tái cấu trúc chi phí, lao động để duy trì hoạt động, phòng tránh rủi ro...
Tổng số ca mắc Covid-19 tại ĐBSCL đã gần mốc 300.000 ca, số ca mắc mới tăng bình quân 5%/ngày tính từ tháng 10 đến nay, những ngày đầu tháng 12 bình quân có 5.000 ca/ngày.