Từ 0 giờ ngày 9/7, giãn cách xã hội toàn TP Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 16

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức thực hiện giãn cách xã hội toàn TP Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng là 15 ngày.

Chiều tối nay (7/7), tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định, TP đang trải qua một cuộc chiến thật sự cam go, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần phải nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch.

"TP áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày", Chủ tịch UBND TP thông báo.

Đặc biệt, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá, dù số ca nhiễm đang tăng nhanh, TP đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống, đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng nên người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người và "bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hồ Chí Minh.
 TP Hồ Chí Minh giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0 giờ ngày 9/7

"Mong người dân ủng hộ, cảm thông khi TP áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng. Nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được đẩy lùi. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu lãnh đạo các địa phương tận dụng thời gian 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 để siết chặt công tác phòng, chống dịch. Việc ngăn chặn dịch Covid-19 cần đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, người dân cần được cung cấp thông tin về các cơ sở kinh doanh, điểm bán mặt hàng thiết yếu được hoạt động. Người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như làm việc tại các nhà máy, công xưởng, khám chữa bệnh...

TP giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong bối cảnh ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4, đứng đầu cả nước. Những ngày gần đây, số ca nhiễm tính theo ngày tại TP được công bố liên tục cao kỷ lục. Nhiều ca được phát hiện trong cộng đồng qua khám sàng lọc ở bệnh viện.

Đồng thời tạm dừng 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền và nhiều chợ truyền thống; siết chặt công tác phòng chống dịch tại các khu chế xuất khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung; phong tỏa, cách ly cục bộ một số khu vực và phân chia các địa phương thành 3 khu vực (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ) để áp dụng các biện pháp phòng dịch tương xứng.

TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập 25 Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch, gồm Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Thành đoàn và giao quyền chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt này cho các địa phương, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung...

Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động quyết định các biện pháp phòng dịch trên địa bàn. Đến nay, các địa phương đã chủ động cách ly, phong tỏa 157 địa điểm, trong đó quận 7 đã áp dụng Chỉ thị số 16 toàn bộ phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây và một phần phường Bình Thuận (không bao gồm phần diện tích thuộc Khu chế xuất Tân Thuận); TP Thủ Đức đã áp dụng đối với phường Tân Phú (không bao gồm Khu công nghệ cao); huyện Hóc Môn đã áp dụng một phần ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm và 5 khu phố thuộc thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn… Ngoài ra, các địa phương đã cách ly y tế tập trung F1 tại 127 điểm và cách ly y tế tập trung F1 tại 62 khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP tổ chức họp hằng ngày để đánh giá tình hình dịch bệnh; thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch hoạt động 24/24 giờ; thành lập Trung tâm Phân tích dữ liệu phòng chống dịch để kết nối dữ liệu với các địa phương, phục vụ nhanh nhất công tác chỉ đạo, điều hành.

TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh công tác lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ rất cao. Hiện nay, TP có 2.000 đội lấy mẫu, trong đó 1.200 đội chính và 800 đội dự phòng. Tổng công suất lấy mẫu của TP đạt 1,3 triệu/mẫu ngày.

Về năng lực xét nghiệm, công suất đạt 400.000 mẫu gộp/ngày. Chỉ riêng từ ngày 26.5 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã xét nghiệm hơn 1,7 triệu mẫu nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm. TP cũng thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm để điều phối khắc phục các hạn chế về xét nghiệm như: phối hợp tổ chức lấy mẫu, nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm, vận chuyển và điều phối mẫu đến các phòng xét nghiệm, khắc phục sự tương thích giữa các phần mềm trả kết quả của các phòng xét nghiệm…

TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập 100 tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng chống dịch trong sản xuất tại các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... đã triển khai tập huấn và ra quân đồng loạt vào ngày 25/6. Ngoài ra, TP đã tổ chức lại các Tổ Covid cộng đồng theo hướng cứ 100 hộ dân có một Tổ Covid cộng đồng để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.

TP đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin đợt thứ tư trên địa bàn và đã thành hoàn thành chỉ tiêu (836.000 liều) trong vòng 5 ngày theo yêu cầu của Bộ Y tế. Lũy kế sau 4 đợt tiêm vắc xin, TP đã tiêm được 985.000 liều.

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp và đang tập trung triển khai 6 nhóm chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 886 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, với những giải pháp nêu trên, có thể khẳng định, cả hệ thống chính trị và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại TP và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta, chủng vi rút được Tổ chức Y tế thế giới xem là chủng trội toàn cầu, có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Theo đó, khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người thì chủng biến thể Alpha có thể lây cho đến 7 người khác, còn chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.

Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch, đó là áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ 15 ngày trên địa bàn TP từ 0 giờ ngày 9/7.

Như vậy, đây là lần thứ hai TP Hồ Chí Minh phải thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Trước đó, đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành "nguy cơ cao", TP áp dụng Chỉ thị 16 trong 22 ngày.

Đến nay TP Hồ Chí Minh đã trải qua 36 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 đã có 14 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Tinh thần của Chỉ thị 16 là "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".

Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 được Thủ tướng ban hành ngày 31/3/2020. Nguyên tắc thực hiện của chỉ thị là gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Một số điểm cụ thể đáng lưu ý của Chỉ thị 16, gồm:

Không tập trung quá 2 người, giãn cách 2m: Người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc.

Cơ sở được tiếp tục hoạt động gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Với các cơ quan, đơn vị Nhà nước: Bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần