Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đinh Thu Hiền khẳng định, từ 1/1/2018 trở đi, khi mức đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở tổng thu nhập của người lao động càng cao thì lương hưu sẽ cao hơn so với trước 2018.
Xung quanh vấn đề điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu sau 1/1/2018, bà Đinh Thu Hiền cho biết, kể từ ngày 1/1/2018 trở đi, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu có thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng chứ không phải tất cả các đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi đều bị giảm lương hưu. Trường hợp đủ điều kiện về tuổi đời mà chưa đủ số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ 75% thì khi nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi đa số lao động nữ bị giảm tỷ lệ lương hưu so với hiện hành.
Bà Hiền cho biết thêm, trường hợp nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định thì còn phải giảm trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2%). Điều đó có nghĩa là, nếu người lao động nghỉ hưu sớm trước tuổi càng nhiều, thì tỷ lệ giảm trừ càng nhiều. Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm 01 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%. Do đó, có thể khẳng định rằng, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH không nhiều.
Mặt khác, Luật BHXH 2014 còn quy định, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động để bảo đảm lương hưu được cải thiện hơn, bù cho việc giảm sút tỷ lệ hưởng lương hưu khi phải tham gia BHXH thêm 5 năm cho cả nam và nữ để đạt tỷ lệ hưởng tối đa là 75%. Do đó, khi mức đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở tổng thu nhập của người lao động càng cao thì lương hưu sẽ cao hơn so với trước 2018.
“Do lương hưu là chế độ người lao động được hưởng lâu dài nên nếu mức lương hưu khi bắt đầu nghỉ hưu thấp sẽ ảnh hưởng suốt cả thời gian về sau. Mặt khác, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức lương đóng BHXH, điều kiện làm việc… Do đó, khi người lao động còn sức khỏe, có công việc tốt thì việc tiếp tục đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để được nhận mức lương hưu cao sẽ đảm bảo tốt hơn thu nhập cho người về hưu” – bà Hiền nhấn mạnh.
Được biết, đến hết tháng 3/2017, ước số người tham gia BHXH bắt buộc là 13.1 triệu người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016. Số người tham gia BH thất nghiệp là 11,2 triệu người, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; tham gia BHXH tự nguyện là 235 ngàn người, tăng 17,6%. Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 76,2 triệu người (bao gồm cả lực lượng vũ trang), tăng 12,5%, đạt tỷ lệ bao phủ BHXH toàn quốc là 82% dân số. Số thu 3 tháng đầu năm trong toàn ngành ước đạt 63.616 tỷ đồng, đạt 22,5% so với kết hoạch giao. Tuy nhiên, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN đến hết ngày 31/3 là 14.019 tỷ đồng, tăng 933 triệu đồng.