Từ 1/4, không cho thuê trang phục nước ngoài chụp ảnh trên sông Nho Quế

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 4 hộ kinh doanh cho thuê trang phục dân tộc tại bến thuyền lòng hồ thủy điện Nho Quế 1, tỉnh Hà Giang đã ký cam kết chỉ cho thuê quần áo các dân tộc truyền thống của Việt Nam và tỉnh Hà Giang phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh trên lòng hồ từ 1/4.

4/4 hộ kinh doanh đã ký cam kết

Liên quan đến việc nhiều du khách khi đi du lịch, trải nghiệm sông Nho Quế, tỉnh Hà Giang mặc trang phục Tây Tạng, Mông Cổ gây hiểu nhầm về định danh địa điểm du lịch với khách nước ngoài, chiều 30/3, thông tin tới Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường cho biết, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Các hộ cho thuê trang phục tại khu vực bến thuyền lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 ký cam kết chỉ cho thuê trang phục dân tộc Việt Nam và tỉnh Hà Giang.
Các hộ cho thuê trang phục tại khu vực bến thuyền lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 ký cam kết chỉ cho thuê trang phục dân tộc Việt Nam và tỉnh Hà Giang.

Qua kiểm tra cho thấy, có thực trạng các hộ kinh doanh cho thuê nhiều trang phục của nước ngoài để phục vụ du khách chụp ảnh. Bên cạnh đó, còn có tình trạng trẻ em và người dân tập trung nhiều tại khu vực bến thuyền xin tiền, kẹo, gây hình ảnh phản cảm.

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Mèo Vạc đã làm việc với Công ty Thủy điện Nho Quế 1 và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, du lịch Tu Sản để chấn chỉnh lại một số hoạt động phục vụ du khách trong thời gian qua.

“Đặc biệt, sau khi làm việc với đoàn kiểm tra của huyện, 4/4 hộ kinh doanh cho thuê trang phục tại khu vực bến thuyền lòng hồ thủy điện Nho Quế 1, thuộc xã Giàng Chu Phìn đã ký cam kết chỉ cho thuê quần áo các dân tộc truyền thống của Việt Nam, ưu tiên các dân tộc tỉnh Hà Giang phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh trên lòng hồ. Thời gian thực hiện từ ngày 1/4” - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cũng cho biết, trước đây, một số hộ kinh doanh do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nên chưa quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, họ rất vui vẻ hưởng ứng chủ trương chỉ cho thuê trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam và tỉnh Hà Giang.

Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

Du khách trải nghiệm du lịch trên sông Nho Quế.
Du khách trải nghiệm du lịch trên sông Nho Quế.

Theo lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc, trên địa bàn huyện có 17 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%. Theo định hướng phát triển kinh tế, huyện Mèo Vạc tập trung xây dựng, phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn phục vụ xóa đói giảm nghèo. Trong đó, gắn phát triển du lịch bền vững với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã hình thành nhiều làng văn hóa dân tộc đặc sắc, thu hút du khách. Đơn cử như làng văn hóa dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; làng văn hóa dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; làng văn hóa dân tộc Giáy, xã Tát Ngà; làng văn hóa dân tộc Nùng, thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai; làng văn hóa dân tộc Tày, xã Liên Sơn…

“Trong quý I/2023, Mèo Vạc đón hơn 138.000 lượt khách du lịch, trong đó du khách quốc tế chiếm khoảng 20%, doanh thu đạt 170 tỷ đồng. Năm 2023, huyện đặt mục tiêu phấn đấu đạt 400.000 khách du lịch tới tham quan (năm 2022 đạt 180.000 khách)” – ông Ngô Mạnh Cường cho biết thêm.

Đặc biệt, qua kiểm tra làm việc tại cơ sở, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường đã yêu cầu hai xã Giàng Chu Phìn, Xín Cái thành lập tổ công tác thực hiện quyết liệt việc tuyên truyền, quán triệt, tuần tra và kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách tham quan, trải nghiệm tại bến thuyền trên sông Nho Quế. Cùng với đó, tuyên truyền Nhân dân, học sinh không được ra khu vực bến thuyền xin tiền, kẹo của du khách.

Hà Giang có bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.
Hà Giang có bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.

Cùng với đó, các lực lượng tăng cường tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với chủ phương tiện, người lái phương tiện và hành khách.

Kiên quyết xử lý đối với những phương tiện hoạt động phục vụ vận chuyển khách thăm quan, du lịch khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Qua đó hướng tới xây dựng hình ảnh du lịch Mèo Vạc đẹp, giàu bản sắc văn hóa.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cũng cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thường xuyên kiểm tra thực tế hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch trên khu vực sông Nho Quế để kịp thời chấn chỉnh những điểm hạn chế, hướng tới xây dựng, quảng bá hỉnh ảnh du lịch Hà Giang điểm đến “An toàn - Bản sắc - Hấp dẫn”.

Trước đó, như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, mới đây travel blogger nổi tiếng Khoai Lang Thang đã chia sẻ một câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đó là nhiều du khách khi trải nghiệm du lịch trên sông Nho mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ để chụp ảnh check-in, khiến cho nhiều người nước ngoài thắc mắc hỏi "Nho Quế có phải của Việt Nam không?". Chia sẻ này sau đó đã dấy lên một làn sóng bình luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.