Theo Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ và Thông tư 16/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn thi hành Nghị định 24, hôm nay (10/1/2013), tất cả doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp phép.
Với quy định này, ước tính 70% cửa hàng kinh doanh vàng miếng trên cả nước sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh do không đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 24.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo Nghị định 24, điều kiện để kinh doanh vàng miếng với doanh nghiệp là có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, kinh nghiệm kinh doanh vàng từ 2 năm trở lên, đã nộp thuế kinh doanh vàng trên 500 triệu trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới tại tối thiểu 3 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.
Nghị định 24 với mục tiêu vàng miếng không phải là lĩnh vực kinh doanh khuyến khích, có điều kiện. Cùng với đó, sự chênh lệch lớn giữa giá trong và ngoài nước đã khiến giao dịch tại thị trường này thời gian qua nguội lạnh. Có thể thấy, trong chừng mực nào đó, kênh đầu tư vào vàng không còn hấp dẫn như trước đối với người dân tại thời điểm này.
Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện đã có 38 đơn vị đủ điều kiện (22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp) được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng, nâng tổng số điểm giao dịch mua bán vàng miếng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lên 2.497 điểm. Và để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân khi mua bán vàng miếng, các địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng.
Để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng khi cho phép các ngân hàng được kinh doanh vàng, NHNN đã ban hành Thông tư 38 ngày 28/12/2012 quy định về trạng thái vàng, tức giá trị số dư vàng miếng phát sinh do mua bán vàng, cuối ngày của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm. Các tổ chức tín dụng phải báo cáo hàng ngày trạng thái vàng của mình cho Ngân hàng Nhà nước.