Theo đó, từ ngày 25/5, HUDS sẽ tiến hành thu hồi 5 ki ốt tại Khu đô thị Bắc Linh Đàm và khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Đại diện HUDS cho biết, hầu hết các ki ốt trên đã hết thời hạn thuê (3 ki ốt hết hạn từ đâu năm 2013 và 2 ki ốt hết hạn từ cuối năm 2014) nhưng đến nay bên thuê vẫn chưa thanh toán hết tiền thuê theo hợp đồng, cũng như số tiền sử dụng ki ốt từ khi hết hợp đồng cho đến nay.
Một trong những ki ốt nằm trong diện phải thu hồi |
Theo ông Bùi Hoàng Kiều - Giám đốc HUDS, sau khi các cá nhân hết hợp đồng thuê ki ốt với HUDS, công ty đã nhiều lần thông báo với các cá nhân có liên quan lên ký hợp đồng thuê mới, nhưng các cá nhân đã không đến và cũng không trả lại ki ốt cho công ty, đồng thời tiếp tục kinh doanh tại ki ốt này. “Với tư cách là người được giao quản lý hợp pháp ki ốt, HUDS đã nhiều lần thông báo, yêu cầu các cá nhân có liên quan trả nốt tiền thuê ki ốt còn thiếu và trả lại ki ốt nhưng các cá nhân cố tình chây ì không trả. Thậm chí, một số cá nhân còn cho người khác thuê lại ki ốt nhằm thu lợi bất chính” - ông Kiều cho biết. Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo an cho hay, theo quy định tại các Điều 483, 489, và 490 Bộ luật Dân sự năm 2005 về cho thuê tài sản thì bên thuê tài sản phải trả tiền thuê đúng hạn; trả lại tài sản thuê cho bên cho thuê khi hết thời hạn thuê; Chỉ được cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê nếu được bên cho thuê đồng ý. Với những quy định trên và xem xét điều kiện thực tế, thì các cá nhân trên đã vi phạm hợp đồng với 3 lỗi cụ thể gồm; Không trả tiền thuê đúng hạn, không trả ki ốt khi đến hạn và tự ý cho thuê lại mà chưa được sự đồng ý của bên cho thuê. Cũng theo Luật sư Vinh, về việc thu hồi tài sản, mặc dù Bộ luật Dân sự chưa có quy định nào về việc bên cho thuê được thu hồi tài sản khi đến hạn mà bên thuê cố tình không chịu trả lại tài sản thuê nhưng có những quy định mang tính nguyên tắc có thể được áp dụng cho các giao dịch và thỏa thuận dân sự. Cụ thể, theo các quy định của pháp luật về dân sự, hợp đồng thuê ki ốt là thỏa thuận dân sự, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các văn bản có liên quan. Theo quy định tại Điều 4, Bộ luật Dân sự về “Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” thì “Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Điều luật này còn quy định “cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”. Từ những quy định trên trên, Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo an khẳng định, mặc dù Bộ luật Dân sự chưa có quy định nào về việc bên cho thuê được thu hồi tài sản khi đến hạn mà bên thuê cố tình không chịu trả lại tài sản thuê nhưng cũng không có quy định nào cấm thu hồi tài sản khi đến hạn. Do đó, việc thu hồi tài sản thuê nói chung và trong trong trường hợp của HUDS với các cá nhân vi phạm 3 điểm của hợp đồng thuê cũng không trái với đạo đức.