Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận thực tế và xin ý kiến của cơ quan quản lý trước vấn đề này.
Giá trị ở hệ thống hiện vật
Theo hồ sơ khoa học của di tích, đình Hoàng Cầu có giá trị lịch sử, là nơi thờ nhân vật lịch sử Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và các vị thần có công với dân với nước khác (Cao Sơn Đại Vương, thần Bạch Mã, Phùng An, Bảo Hoa công chúa), đồng thời có ý nghĩa nhất định trong việc nghiên cứu vị trí, ý nghĩa của đàn Xã Tắc thời Lý – Trần – Lê.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến - Phó trưởng Phòng VH&TT quận Đống Đa cho biết, căn cứ các tư liệu thành văn hiện còn, đình Hoàng Cầu có niên đại khởi dựng khá sớm, sau đó được trùng tu, sửa chữa nhiều lần vào thế kỷ XIX.
Một số hạng mục được tôn tạo trong những năm gần đây. Như các tài liệu nghiên cứu thì giá trị ngôi đình là hệ thống hiện vật, đó là 22 đạo sắc phong cho các vị thần có niên đại trải dài từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, trong đó có 3 sắc thời Hậu Lê, 5 sắc thời Tây Sơn, 14 sắc thời Nguyễn; 3 tấm bia đá, trong đó có tấm bia dựng năm Chính Hòa (1680), 1 bia niên hiệu Tự Đức 31 (1880) và 1 bia niên hiệu Thành Thái 5 (1889), 1 chuông đồng niên hiệu Tự Đức cùng long ngai, kiệu rước, hương án, chấp kích, sập thờ và các đồ tự khí được tạo tác thế kỷ XIX - XX.
Đặc biệt, tại di tích còn lưu giữ hai pho tượng Phỗng cổ khá đẹp, có hình thức gần giống với đôi Phỗng ở đền Bạch Mã (Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Tượng đạt yếu tố chân dung hoàn thiện, gần gũi với nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Một số nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống đánh giá, đây là đôi tượng Phỗng có giá trị quý hiếm ở Hà Nội.
Ngoài vấn đề hiện vật, các hạng mục chính của đình Hoàng Cầu (Phương đình, Đại bái/Tiền tế, Hậu cung) đều được xây dựng bằng gạch mới, khung cột bê tông cốt thép giả gỗ, chỉ có hạng mục cổng (Nghi môn) được tô trát các chi tiết nghệ thuật bằng vữa truyền thống.
Theo người dân sống lâu năm ở khu vực này, trong kháng chiến chống Pháp, các hạng mục di tích gốc đã bị phá hủy và ngôi đình được dựng lại bằng chất liệu xi măng cốt thép, không có cấu kiện gỗ. Trải qua thời gian, vật liệu vôi vữa, xi măng bị ẩm thấp, xuống cấp.
Tu bổ đúng thỏa thuận
Trước tình trạng xuống cấp của di tích, UBND quận Đống Đa đã xây dựng dự án và giao BQL dự án đầu tư xây dựng quận làm chủ đầu tư thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng nguyện vọng của Nhân dân theo đúng quy trình.
Năm 2019, Bộ VHTT&DL cũng đã có các văn bản số 1467/BVHTTDL-DSVH gửi UBND TP Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa). Tại văn bản số 1467, Bộ VHTT&DL thỏa thuận các hạng mục: Tu bổ cổng đình; tôn tạo Đại đình (Tiền tế, Hậu cung), Phương đình, nhà Mẫu, miếu thờ, nhà bia, bình phong, am hóa sớ, giếng đình, nhà phụ trợ…
Tuy nhiên, theo phản ánh gần đây của một số phương tiện truyền thông, các đơn vị thi công đã không làm theo đúng quy định, hạ giải hoàn toàn, đập đi xây mới di tích, việc bảo quản hiện vật cũng tùy tiện. Có mặt tại di tích, ghi nhận thực tế về quá trình triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích, phóng viên nhận thấy, ngôi đình hiện đang được tu bổ, tôn phần móng và có nhà bao che. Hạng mục Nghi môn với những đường nét kiến trúc đẹp được giữ lại cẩn thận. Đáng chú ý, toàn bộ hệ thống hiện vật, giá trị cốt lõi của di tích lịch sử văn hóa này đang được bảo quản theo quy định.
Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), sau khi kiểm tra thông tin phản ánh đã khẳng định, các nội dung tu bổ, tôn tạo, dự án đã triển khai đúng với lưu ý tại văn bản thỏa thuận của Bộ VHTT&DL. Các hiện vật liên quan của di tích đang được lưu giữ, bảo quản tốt tại các địa điểm, đảm bảo các yếu tố an toàn.
Hơn 60 hiện vật giá trị đã được kiểm kê, đánh số cẩn thận trước, chờ khi đình tu bổ, tôn tạo xong thì bày trí trở lại, đảm bảo không bị mất mát, cháy nổ. Như vậy, ông Trần Đình Thành cho rằng những thông tin về dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu được báo chí phản ánh trong mấy ngày gần đây là không chính xác, ảnh hưởng đến quá trình tôn tạo và tu bổ di tích, giữ gìn giá trị di sản cho Thủ đô.