Trải qua 25 năm kể từ dấu mốc đó, Hà Nội ngày càng minh chứng xứng tầm với ghi nhận của cộng đồng quốc tế thông qua những thành tựu nổi bật trong cuộc đổi mới, cũng như khát vọng về hòa bình của Nhân dân Hà Nội – Việt Nam.
Nhớ lại “những ngày đầu thách thức”
Là một người gắn bó với công tác đối ngoại của Thủ đô và trải qua những ngày đầu khi Hà Nội chuẩn bị đến lúc vỡ òa khi nhận được danh hiệu này, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội Trần Nghĩa Hòa chia sẻ, đó vẫn là một “kỷ niệm khó quên” đối với ông.
Cuối năm 1998, khi nhận được thông báo của UNESCO, Ủy ban Quốc gia (UBQG) UNESCO Việt nam đã kiến nghị với TP Hà Nội tham gia ứng cử giải thưởng Thành phố vì hòa bình vào đầu năm 1999. Dù xét tiêu chí của giải thưởng rất cao, nhưng Hà Nội lúc đó cũng đặt quyết tâm, tích cực phối hợp chặt chẽ với UBQG UNESCO xây dựng đề án, kế hoạch tham gia ứng cử, trình Chính phủ phê duyệt, ông Trần Nghĩa Hòa cho biết.
“Cũng phải mất cả năm, hồ sơ mới hoàn thành và gửi đi trong sự hồi hộp, thêm chút lo lắng”, ông Trần Nghĩa Hòa nói. Bởi thời điểm đó, bối cảnh đất nước có những thuận lợi đan xen với khó khăn. Công cuộc đổi mới của đất nước thu được thành tựu quan trọng về các mặt, Việt Nam đã gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ký Hiệp định hợp tác với Liên minh châu Âu. Mặt khác, tình hình quốc tế vẫn còn phức tạp khi Mỹ và NATO tiến hành không kích Kosovo tạo làn sóng phản đối chiến tranh trên thế giới…
Ngoài ra, thời điểm đó rất đông nước tham gia tranh cử Giải thưởng năm 1998 - 1999 với 70 hồ sơ ứng cử. Trong đó riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 10 ứng cử bao gồm Việt Nam. Do đó, việc tranh cử của Hà Nội cần phải tiến hành hết sức bài bản, khoa học, vừa kế hoạch, vừa linh hoạt, khéo léo. Ở trong nước, Bộ Ngoại giao và TP Hà Nội tiến hành gặp gỡ, vận động các nước, thông qua các đại sứ quán tại Hà Nội; tích cực hưởng ứng hoạt động Năm văn hóa hòa bình UNESCO, chọn Hà Nội là nơi phát động Năm quốc tế văn hóa hòa bình và Thập kỷ quốc tế về văn hóa hòa bình phi bạo lực và vì trẻ em trên thế giới.
Những chuyến công tác của lãnh đạo TP do Sở Ngoại vụ tham mưu và thời điểm đó đi Paris, Moscow…, theo ông Trần Nghĩa Hòa, đều được lồng ghép những nội dung vận động để tranh thủ sự ủng hộ của nước bạn cho giải thưởng này. Đặc biệt, phải kể đến đoàn công tác trực tiếp đi vận động có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Dy Niên, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBQG UNESCO Việt Nam, đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Đối ngoại UNESCO, các cán bộ của Vụ Văn hóa, Đối ngoại UNESCO và Sở Ngoại vụ Hà Nội. Niềm vui vỡ òa vào ngày 9/7/1999 khi tại Paris, UNESCO công bố Giải thưởng UNESCO – Thành phố vì hòa bình sẽ được trao tặng cho 5 quốc gia trong đó có Hà Nội vào ngày 16/7/1999 tại Bolivia.
Con đường vươn lên xứng tầm
Sau 25 năm kể từ ngày nhận danh hiệu đến nay, cả hệ thống chính trị Thủ đô đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, tiếp tục phát triển, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Thủ đô Hà Nội không những có một diện mạo mới, hiện đại hơn với việc mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số mà còn là một đô thị đa sắc màu văn hóa, với các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện.
Sự phát triển của Hà Nội dựa trên các nền tảng hòa bình, các giá trị văn hóa, chất lượng giáo dục, sự năng động sáng tạo và nỗ lực thúc đẩy hội nhập năng động vào hợp tác khu vực và quốc tế. Từ “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, đến “Thành phố sáng tạo” là những bước phát triển để Hà Nội khẳng định những giá trị cốt lõi và vươn mình ra hội nhập với thế giới.
Năm nay - 2024 được coi là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Hà Nội đã đạt được những kết quả phát triển nổi bật trên các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể kể đến GRDP tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023, Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 252.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023… Đặc biệt là một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược được đẩy mạnh triển khai như: Thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Trong đó, công tác đối ngoại được ưu tiên đẩy mạnh nhằm góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển, hướng tới bảo đảm toàn diện trên 4 trụ cột: Chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại Nhân dân, bao gồm cả đối ngoại kênh Đảng và chính quyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Tính đến nay, Hà Nội có quan hệ với hơn 100 TP, thủ đô các nước. Trong số đó, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, TP các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới.
Thành phố truyền cảm hứng
Những thành tựu xứng tầm trong vai trò một thành phố vì hòa bình đã khiến Hà Nội được cộng đồng quốc tế tin tưởng, tín nhiệm và tiếp tục ủng hộ trong những vai trò mới. Cuối năm 2019, Hà Nội chính thức ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Hòa bình TP Hà Nội, từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo” không chỉ đơn thuần là có thêm danh hiệu để tự hào mà còn là động lực để Thủ đô quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến sự bền vững, phát huy sức sáng tạo của những người tâm huyết với Hà Nội.
“Hữu xạ tự nhiên hương” – chính môi trường hòa bình, ổn định chính trị, người dân thân thiện nên từ lâu Hà Nội đã được chọn là nơi tổ chức các sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế như Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều II, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới…
Nhiều hình ảnh đẹp về các nguyên thủ quốc gia trên thế giới khi đến với Việt Nam đã lan tỏa mạnh mẽ thời gian qua. Như Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng bữa tại quán bún chả lâu đời, hay năm 2023, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe trên những con đường đầy cây xanh, dừng chân ở một quán trà trên phố Điện Biên Phủ, vui vẻ trao đổi với những bạn Việt Nam… Rõ ràng, tinh thần, thông điệp hòa bình đã lan tỏa và trở thành thương hiệu riêng của Hà Nội.
Đối với bạn bè quốc tế, họ cũng ghi nhận hành trình chuyển mình của Hà Nội ngày càng trở thành biểu tượng của hòa bình và hòa giải. Đã từ rất lâu, Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, và là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng đã hình thành nên đất nước Việt Nam và khu vực, theo bà Jane Runkat - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Indonesia chia sẻ.
Hà Nội đã biến những khó khăn trong lịch sử trở thành khả năng cạnh tranh của ngày hôm nay, trở thành một trung tâm giáo dục, khoa học, công nghệ và văn hóa trong khu vực. Những nỗ lực về phát triển bền vững của Hà Nội cũng minh chứng Thủ đô rất xứng đáng với danh hiệu, với nhiều sáng kiến giải quyết các thách thức vì môi trường. “Việc công nhận Hà Nội là thành phố vì hòa bình của UNESCO có thể truyền cảm hứng cho các TP khác theo đuổi con đường vì hòa bình và phát triển”- bà Jane Runkat nói.