Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ chối triệu đô, CEO NAMASTE với sứ mệnh vì thiên nhiên

Đào Thu Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ chối deal 1 triệu USD từ Shark Bình và Shark Hưng, chủ sở hữu Công viên san hô Phú Quốc - CEO NAMASTE Lê Quang Duy khẳng định giá trị dự án cao hơn nhiều so với định giá của các Shark. Đồng thời quyết tâm đeo đuổi sứ mệnh với thiên nhiên khi vừa duy trì, vừa kêu gọi thêm “cá mập” đồng hành đầu tư thực hiện.

Đại dương mê hoặc
Công viên san hô Phú Quốc (thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư & Phát triển NAMASTE) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Công viên San hô đầu tiên tại Việt Nam” vào đầu năm 2020. Dự án là tâm huyết nhiều năm CEO NAMASTE Lê Quang Duy. Sau khi đi vào hoạt động không chỉ phát triển một loại hình dịch vụ vui chơi giải trí trên biển tại Phú Quốc mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tái tạo hệ sinh thái biển, đặc biệt là phục hồi các rạn san hô tự nhiên.
Mê hoặc bởi vẻ đẹp của đại dương trong lần đầu lặn xuống đáy biển, CEO NAMASTE Lê Quang Duy quyết tâm với ý tưởng khởi nghiệp của mình. Ảnh: Hoàng Anh
Seawalker là đơn vị được cấp chứng nhận đủ điều kiện cho bộ môn đi bộ dưới đáy biển, cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này sở hữu công viên san hô được Hiệp hội kỷ lục gia Việt Nam trao chứng nhận vào ngày 3/1/2020.
Xuất hiện trong chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ 4, dự án công viên san hô cùng mục tiêu phát triển các hoạt động kinh doanh của anh Duy đã đặc biệt thu hút các nhà đầu tư.
Ý tưởng sáng lập dự án nảy sinh ngay từ lúc Duy bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của đại dương trong lần đầu lặn xuống đáy biển. Từ đó anh nung nấu ý tưởng muốn đưa mọi người từ trẻ em, đến người già và những người không biết bơi đều có thể “đi bộ”, “dạo chơi” dưới đáy biển, thỏa thích ngắm nhìn san hô muôn màu cùng những loài cá, sinh vật biển kỳ lạ.
Đi tìm giải pháp suốt 2 năm trời, Duy vượt qua khó khăn thành lập NAMASTE rồi đầu tư mua tàu và thiết bị, nghiên cứu, thực nghiệm loại hình Seawalker - công nghệ đi bộ dưới đáy biển đã xuất hiện vài nơi trên thế giới như Thái Lan, Bali, Úc, Mỹ... Trong quá trình nghiên cứu anh phát hiện một vấn đề nghiêm trọng đó là nước biển nóng lên dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu Eninol khiến cho các rạn san hô bị tẩy trắng. Riêng tại Phú Quốc, năm 2010 có gần 60% độ phủ các rạn san hô bị tẩy trắng hoặc xóa sổ.

Sau khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Công viên San hô đầu tiên tại Việt Nam” vào đầu năm 2020, Shark Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây Dựng Hạ tầng và Giao Thông Intracom tiếp tục gây bất ngờ khi công bố đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ giải trí trên biển tại Phú Quốc. Cú “bắt tay” với Seaworld của ông được xem là bước đi mới về phát triển dịch vụ du lịch trên biển, song song bảo vệ và nâng tầm giá trị tài nguyên biển tại công viên san hô đầu tiên của Việt Nam.
Nhận thức được hệ quả của sự biến đổi môi trường biển, xót xa trước những rạn san hô bị tàn phá, anh quyết tâm cải tạo biển và nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng san hô tại Phú Quốc. “Tôi nhận ra đây là sứ mệnh mà bản thân đang tìm kiếm và thực sự đam mê, đeo đuổi. Khi nhìn thấy một khu vực biển được tái tạo, sinh vật theo nhau về trú ngụ tôi cảm thấy sung sướng hơn bất cứ thứ gì, cảm thấy mình được sống có trách nhiệm cống hiến cho xã hội, đó là động lực thôi thúc tôi thành lập dự án công viên san hô” - CEO 8x chia sẻ.
Tháng 1/2018, tàu Seaworld Namaste và công viên san hô Phú Quốc được cấp phép hoạt động, chính thức ra mắt dịch vụ đi bộ dưới đấy biển. Đây là thương hiệu đầu tiên tại Phú Quốc được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí trên biển. Hiện nay, công viên san hô có diện tích 10.000m2, với gần 200 loài san hô cứng, mềm, hơn 100 loài cá biển tự nhiên, các sinh vật biển quý và 9000m2 khu bảo vệ phục hồi.
Đeo đuổi hợp thành quần thể công viên san hô
Đây cũng là lý do chính để CEO NAMASTE đến gọi vốn tại chương trình Shark Tank. Tính đến thời điểm hiện tại, tàu Seaworld Namaste đã phục vụ hơn 30.000 lượt khách trong và ngoài nước, tổng doanh thu đạt 20 tỷ đồng, lợi nhuận gần 4 tỷ đồng. Anh Duy cho hay, Dự án quần thể Công viên san hô của Phú Quốc cũng đã được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương. Theo đó, số tiền tiếp tục đầu tư cho môi trường sẽ là gần 15 tỷ đồng để cải tạo, phục hồi thêm 40ha rạn san hô, tạo vườn ươm và vùng lõi để nhân giống san hô làm nguyên liệu phục hồi các vùng biển khác.
Chưa có tiếng nói chung trong đầu tư, song các "cá mập" đều đánh giá cao với ý tưởng vì thiên nhiên của CEO NAMASTE Lê Quang Duy. Ảnh: Hoàng Anh
Đồng thời, cơ sở 2 - Du thuyền Nautilus Namaste sẽ được công ty đưa vào hoạt động từ quý IV/2021 để có thể phục vụ được nhiều du khách hơn đến trải nghiệm dịch vụ đi bộ dưới đáy biển khám phá đại dương.
Hiện tàu Nautilus Namaste đã hoàn thành hơn 70%, tổng dự toán sau khi hoàn thiện nội thất trước khi ra khơi khoảng 4 triệu USD (gần 100 tỷ đồng). Anh Duy tự tin khẳng định, Nautilus Namaste sẽ là một tổ hợp giải trí biển hiện đại bậc nhất Việt Nam, có thể tự tin so sánh với các cơ sở cùng ngành ở khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, anh đã từ chối đề xuất đầu tư 1 triệu USD lấy 18% cổ phần của Shark Bình và lấy 25% cổ phần của Shark Hưng. Theo anh, định giá từ các Shark chưa sát với giá trị thực của dự án.
CEO NAMASTE Lê Quang Duy cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư để thực hiện sứ mệnh cải tạo đại dương. Ảnh: Hoàng Anh
Tuy thương vụ không thành công, nhưng CEO NAMASTE không hề tỏ ra thất vọng. Với nguồn lực sẵn có, anh chia sẻ sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đồng hành để hợp tác mở rộng phát triển dịch vụ du lịch song song với việc bảo vệ và nâng tầm giá trị tài nguyên biển. Tiếp tục thực hiện sứ mệnh cải tạo đại dương, phục hồi san hô ở Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thời gian trải nghiệm dịch vụ tối đa cho 1 khách là từ 15 - 20 phút. Mỗi ngày chỉ cho phép từ 120 - 150 người tham quan để đảm bảo sự ổn định cho môi trường biển. Khách tham quan sẽ có một huấn luyện viên đi kèm, ngoài dẫn dắt và bảo vệ, huấn luyện viên có trách nhiệm để khách không chạm vào san hô.

Ngoài ra, mỗi một cơ sở chỉ hoạt động 6 tháng, 6 tháng còn lại là thời gian để thiên nhiên phục hồi và phát triển. Đồng thời, trên biển sẽ chịu 2 mặt gió, nên công viên san hô có 2 nơi. Vùng mặt Nam khi thác được 6 tháng thì sẽ chuyển qua vùng mặt Bắc và con tàu sẽ di chuyển qua lại giữa 2 nơi này.