Tự chủ đại học: Tăng học phí là cần thiết

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - "Tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo và bù đắp một phần kinh phí Nhà nước không đầu tư cho trường nữa..." - PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội trao đổi về thực hiện tự chủ ĐH.

Thưa ông, được giao thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn sẽ giúp cho trường có thuận lợi gì trong hoạt động đào tạo?
- Bách khoa Hà Nội là trường ĐH đầu tiên được Bộ GD&ĐT giao thí điểm tự chủ từ năm 2011 về nội dung hoạt động đào tạo trong KHCN, tổ chức biên chế, tài chính. Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng tôi bị vướng về cơ chế tài chính và quyền quyết định đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất. Lần này được Thủ tướng Chính phủ giao thí điểm tự chủ, 2 vướng mắc này sẽ được tháo gỡ. Chúng tôi được chủ động về công tác tổ chức cán bộ, nhân sự; quy hoạch vị trí việc làm, xác định các chức danh, bổ nhiệm và miễn nhiệm. Đặc biệt là nâng cao được vai trò thực quyền của Hội đồng trường. Tự chủ giúp cho trường có những điều kiện để tối ưu các nguồn lực hiện có và khai thác có hiệu quả hơn.
Vậy, còn những khó khăn mà nhà trường sẽ phải đối mặt?
 - Khi tự chủ, nhà trường bắt buộc phải tăng học phí, điều mà chúng tôi không mong muốn. Tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo và bù đắp một phần kinh phí Nhà nước không đầu tư cho trường nữa. Để sinh viên (SV) không bị "sốc", các khóa vừa nhập học, mức học phí tăng thấp, không quá 20% so với những trường chưa được tự chủ. Kể cả SV các khóa sau, mức học phí tăng không nhiều. Cũng như các trường khác tự chủ hoàn toàn, trường ĐH Bách khoa Hà Nội lo số  SV vào học sẽ giảm đi. Nhưng nếu chúng ta làm tốt công tác truyền thông để SV và xã hội thấy việc đóng góp nhiều hơn là cho chính chất lượng học tập của các em.
Tôi nhấn mạnh, tăng học phí là cần thiết. Ví dụ, trong năm 2016, chúng tôi đầu tư khoảng hơn 200 tỷ đồng vào cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng. Đương nhiên, nhà trường phải tìm cách tăng cường các hoạt động dịch vụ, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để bù vào phần thiếu hụt ngân sách chi thường xuyên.
Trường sẽ dùng nguồn nào để giúp SV nghèo, thuộc hộ gia đình chính sách được tiếp cận học tập?
- Như tôi đã nói, những năm sau, trường không thu học phí theo trần quy định, mà cân nhắc tùy theo từng nhóm ngành để quy định các mức phù hợp. Một điều quan trọng, nhằm giúp SV nghèo ở các tỉnh có điều kiện được học tập tại trường, chúng tôi sẽ xây dựng lại chính sách học bổng. Những em có thành tích học tập đạt loại giỏi xuất sắc, chúng tôi sẽ khen thưởng, ghi nhận. Các em có học lực đạt mức từ tối thiểu trở lên theo quy định của trường, gia đình ít có điều kiện, trường sẽ cấp học bổng 50% hoặc toàn phần trong 4 - 5 năm học. Nguồn để xây dựng quỹ học bổng được lấy từ lãi suất học phí gửi ngân hàng thương mại và huy động tài trợ của các DN, tổ chức, cá nhân, cựu SV của trường.
Tăng học phí đồng nghĩa với việc nhà trường phải công khai cho xã hội biết các khoản thu - chi, tiêu chí đảm bảo chất lượng?
- Chắc chắn nhà trường sẽ công khai cụ thể các khoản thu - chi. Cùng với đó là công khai chất lượng đầu vào thông qua điểm tuyển sinh hàng năm; quá trình đào tạo; đầu ra.

Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội tự học tại thư viện. Ảnh: Thủy Trúc

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hướng đến thành công của người học. Vì thế, để có chất lượng đầu ra tốt phụ thuộc vào quá trình đào tạo. Đó là đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất, môi trường học; chương trình, giáo trình, tài liệu. Chúng tôi luôn chú trọng những vấn đề này. Hiện nay, tỷ lệ SV/giảng viên của trường gần như thấp nhất nước. Tỷ lệ thạc sĩ/giảng viên của trường chiếm 60%; GS, PGS chiếm 20%.
Để thu hút giảng viên, chuyên gia cũng như SV ngoài nước đến làm việc, học tập, nhà trường thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục thế nào để bằng cấp được quốc tế công nhận?
- Chúng tôi thực hiện kiểm định trường theo chuẩn của Pháp, gần tương đồng hoàn toàn với châu Âu. Từng chương trình lại được kiểm định theo Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á. Hiện, trường đã có một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Chúng tôi sẽ tăng dần bằng cách năm đầu đưa giáo trình tiếng Anh vào một số ngành, sang năm thứ hai sẽ dạy một số môn bằng tiếng Anh cho các chương trình ĐH đại trà. Tiếp đến sẽ mở rộng các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Xin cảm ơn ông! 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần