Bàn về luật này, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, Nhà nước vẫn nên đầu tư cho các trường ĐH đã được tự chủ và bỏ vai trò của Bộ chủ quản.
|
Giờ thực hành điện, điện tử tại trường ĐH Công nghiệp Hà Hội. Ảnh: Thanh Hải |
Chủ trương tự chủ được thể hiện rõ nhất ở Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm tự chủ trong các trường ĐH công lập và hiện giờ đã có vài chục trường được giao thực hiện. Nhưng TS Khuyến cho rằng, Nghị quyết 77 đưa ra yêu cầu các trường ĐH công lập muốn được tự chủ, phải chấp nhận điều kiện không nhận ngân sách của Nhà nước trong chi thường xuyên và chi xây dựng cơ bản. “Tôi thấy quy định này chưa ổn, dẫn đến tình huống có những trường chưa đủ các điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng họ chấp nhận không nhận ngân sách của Nhà nước để được ra “ở riêng”. Hoặc có những trường hoàn toàn xứng đáng tự chủ nhưng lĩnh vực đào tạo là phát triển nguồn nhân lực trọng điểm cho Nhà nước nên vẫn phải “ở chung” dẫn đến không phát huy hết khả năng và nội lực trong hoạt động đào tạo” – ông Lê Viết Khuyến nhận định.
Một vấn đề nữa, không phải tất cả các trường ĐH đều được quyền tự chủ tối đa, dàn hàng ngang, mà phải xem xét dựa trên các yếu tố có đảm bảo thực hiện toàn phần hay một phần. Kinh nghiệm ở một số nước láng giềng như Thái Lan quy định những trường ĐH công chưa được công nhận tự chủ thì thực hiện các chế độ chính sách về tài chính, tổ chức nhân sự theo quy định của Nhà nước; trường tự chủ được tự do phát triển theo chiến lược hoạt động của mình. Trường ĐH tự chủ đồng nghĩa với phải có trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch thông tin. Tuy nhiên, công khai minh bạch với cơ quan quản lý hay xã hội lại chưa được làm rõ trong Luật Giáo dục ĐH hiện hành. Do vậy, trong Dự án Luật cần quy định cụ thể vai trò của xã hội, trong đó có báo chí được quyền tìm hiểu các hoạt động về học thuật, tài chính, nhân sự của trường tự chủ.
Quyền tự chủ được trao cho nhà trường chứ không phải cá nhân hiệu trưởng cần được thể hiện rõ trong Dự án Luật Giáo dục ĐH. Điều này đồng nghĩa với cơ sở giáo dục ĐH phải có Hội đồng trường – cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường. Nghị quyết 19 Hội nghị T.Ư 6 đã nêu rõ nội dung này nhưng khi đi vào thực tế thực hiện lại chưa đúng, mà Hội đồng trường thường “ăn theo” hiệu trưởng. Có nghĩa hiệu trưởng có quyền lực cao nhất trong nhà trường, chỉ định người làm Chủ tịch Hội đồng trường. Một nội dung khác rất cần đưa vào trong Dự án luật chính là Bộ GD&ĐT không thể ôm quyền chủ quản mà chuyển giao cho cộng đồng xã hội để các trường ĐH được phát triển theo chiến lược của mình.