Bố mẹ luôn đồng hành cùng con trên mạngThưa bà, từ năm 2018 trên mạng đã xuất hiện những game hướng dẫn tự làm hại bản thân khiến không ít phụ huynh hoang mang lo lắng. Là chuyên gia về giáo dục kỹ năng số, theo bà phụ huynh cần phải làm gì để bảo vệ con khi tham gia vào các mạng xã hội?- Không chỉ là người làm công tác xã hội, cũng như những phụ huynh khác, tôi rất lo lắng và cả tức giận vì Momo trong chuyện tranh Ehon Nhật Bản hay Peppa Pig đều là những nhân vật rất dễ thương, nhân văn mà con gái tôi yêu thích bị lợi dụng cho một trò chơi nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho con trên mạng xã hội, tôi đã áp dụng một số biện pháp bảo vệ và cũng muốn chia sẻ với các phụ huynh khác. Thứ nhất, phụ huynh nên kiểm tra xem con mình có đang xem kênh Youtube nào và hãy đảm bảo cho con xem Youtube Kids - bởi kênh này có nhiều biện pháp kiểm soát an toàn hơn so với kênh Youtube dành cho người lớn. Phụ huynh có thể cùng con đặt một Playlist các chương trình mà con thích xem và bật chức năng kiểm soát để biết con đang xem và tìm kiếm gì. Nếu có những chương trình nào con muốn xem và đưa thêm vào Playlists thì hãy chia sẻ cùng bố mẹ.
Trong trường hợp gặp phải chương trình nào đó khiến con cảm thấy bối rối và lo lắng thì phụ huynh hãy nói con chia sẻ ngay, để cùng phân tích có nên xem hay không. Trẻ nhỏ dưới 7 tuổi chỉ xem các chương trình cùng với phụ huynh hoặc xem một mình nếu bố mẹ đã xem qua trước đấy.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc ngăn chặn “Thử thách Momo” nhưng nhiều phụ huynh vẫn đang rất lo lắng. Trong trường hợp này, họ cần phải làm gì, thưa bà?- Chúng ta cần phải đối mặt với “Thử thách Momo”. Các phụ huynh dù lo lắng, tức giận cũng không nên tịch thu các thiết bị công nghệ của trẻ, cấm trẻ sử dụng internet. Phản ứng tốt nhất là “đối mặt với thách thức” - bố mẹ cần tỉnh táo tìm hiểu về “Thử thách Momo” để là người cung cấp thông tin đáng tin cậy cho các con và lựa chọn cách nói chuyện phù hợp giúp con biết đây là một trò chơi nguy hại.
Đồng thời giải thích cho con hiểu, các thử thách trên mạng xã hội rất phổ biến, thường thực hiện những điều tốt đẹp, vui vẻ, tạo ra thay đổi và truyền đi thông điệp tích cực; chứ không nên là thử thách mang lại nỗi buồn, đau, tổn thương, sợ hãi hay thậm chí nguy hiểm đến sự an toàn của con. Phụ huynh cũng nên nói rõ: Khi con gặp những điều không ổn, cảm xúc không rõ ràng thì nên ngừng lại và nói chuyện với bố mẹ. Bố mẹ sẽ không tức giận, dọa nạt mà cùng kiểm tra xem đó có phải là chương trình con nên xem hay không.
SNET giúp trẻ bảo đảm an toànNhưng những biện pháp như bà nói chỉ là giải pháp tình thế?- Hai giải pháp tôi đưa ra ở trên chỉ thực sự có hiệu quả và không là tình thế nếu các phụ huynh sớm bắt đầu dành thời gian và nỗ lực nói chuyện với con hàng ngày, nuôi dưỡng tình bạn và sự chia sẻ, đồng cảm với con. Cũng giống như quan tâm và hỏi con khi con đi học về “Hôm nay con học ở trường thế nào? Có gì vui không?”. Phụ huynh cũng hãy quan tâm đến những trải nghiệm của con trên mạng internet bằng việc hỏi: “Hôm nay trên mạng có gì hay không? Có gì làm con cảm thấy không ổn/không thoải mái?”. Và đổi lại, bố mẹ cũng chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm của mình trong ngày. Việc duy trì thói quen nói chuyện, trao đổi thoải mái với con để trẻ biết bố mẹ luôn là địa chỉ tin cậy an toàn và yêu thương để có thể chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.
Theo bà, khi sử dụng mạng xã hội, trẻ em cần phải thực hiện những nguyên tắc nào để đảm bảo an toàn?- Giống như môi trường thật, môi trường mạng có an toàn, lành mạnh. Các trải nghiệm của trẻ em có hữu ích hay không phụ thuộc rất lớn vào các em. Chính vì thế, nếu nói về mặt trái để đặt ra các nguyên tắc hay các điều khoản cấm đoán sẽ rất nhiều, thay vào đó, chúng tôi đặt ra những nguyên tắc cho trẻ em để trở thành các “Công dân số chuẩn”. Đây là chương trình Giáo dục kỹ năng số cho trẻ em của MSD trong đó có các nguyên tắc SNET rất căn bản để giúp trẻ trang bị kỹ năng số làm chủ công nghệ.
Cụ thể, S - Safe - An toàn: Công dân số học và có kiến thức để bảo mật thông tin, cài đặt riêng tư, đăng nhập an toàn, kết nối và kết bạn có chọn lọc… S - Smart - Thông minh: Công dân số có các kỹ năng, tư duy logic và tư duy phản biện để biết cân nhắc khi chia sẻ các thông tin cá nhân và của người khác, quyết định tham gia hay không, xem hay không xem các chương trình không phù hợp, phân biệt các nguồn thông tin thật giả, ngăn chặn các rủi ro trên mạng... S - SUPER - Siêu nhân: Công dân số biết tìm kiếm các giải pháp, sự hỗ trợ giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô, những người đáng tin cậy, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111... SUPERB NET: Công dân số biết liên kết để có các mạng lưới cùng hỗ trợ nhau có các trải nghiệm tuyệt vời trên internet.
Xin cảm ơn bà!Chiều 3/3, trao đổi với Kinh tế & Đô thị về nội dung xấu của trò chơi “Thử thách Momo” đăng tải trên youtobe, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết: Ngay khi nhận được thông tin về những video dạy trẻ tự tử thông qua trò chơi “thử thách cùng momo” trên Youtobe, phía Cục đã yêu cầu Google gỡ bỏ cũng như tăng cường giám sát, trang bị thêm bộ lọc nội dung để không có những clip tương tự xuất hiện trên mạng xã hội này.Trong trường hợp người dùng phát hiện ra những video có nội dung tương tự có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng, ứng dụng Zalo/Viber/Whatsapp: 0899.888.222 và 0896.888.222; thư điện tử: online.abei@mic.gov.vn và hotline.abei@mic.gov.vn. (Trần Oanh) |