Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Từ con “bánh chim cò” tới tò he hiện đại”

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã từ lâu, tò he được biết đến như là một thứ đồ chơi dân gian quen thuộc của trẻ em Việt Nam nhưng ít ai biết tường tận nguồn gốc cho sự ra đời của tò he. Chính bởi thế, ngày 28/7, tại Không gian Giao lưu Văn hóa Hà Nội 1010 (số 32 Võng Thị, Hà Nội), CLB MyHanoi tổ chức sự kiện “Từ con “bánh chim cò” tới tò he hiện đại”.

Chương tình nhằm giúp công chúng Thủ đô trải nghiệm làm tò he và tìm hiểu về đồ chơi dân gian khác dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân và các thành viên MyHanoi.
 Ảnh: MyHanoi.
Có ai đó đã từng trân trọng nói về những món quà quê gợi nhớ bao kỉ niệm: Thứ nhất bánh cuốn, thứ nhì bánh đa, thứ ba chim cò. Và chim cò là cái gốc của tò he.
Tò he hay còn được gọi là chim cò vốn xuất phát từ việc làm đồ thờ cúng trong những dịp lễ tết, đặc biệt là tết Trung Thu. Tất cả đều do các nghệ nhân xưa dùng bột nếp nặn những mâm ngũ quả, ông tiến sĩ và 12 con giáp hay những con vật gần gũi với nông thôn Việt Nam để phục vụ việc cúng lễ.
Chim cò khi cúng xong, chia cho trẻ nhỏ chơi (là một hình thức của việc chia lộc - thụ lộc, mang ý nghĩa tâm linh cao) khi chơi chán đem hấp với cơm có thể ăn được. Trẻ em rất thích chơi chim cò nên các nghệ nhân xưa đã phát triển thành nghề làm đồ chơi.
Đầu tiên, chim cò chỉ là hình những con chim, con cò giản dị. Tới thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, các nghệ nhân chuyển sang nặn bộ đội. Ngày nay, trẻ em nhỏ ưa chuộng những nhân vật hoạt hình, hoa lá cỏ cây, người nghệ nhân sáng tạo thêm một cây kèn lá nhỏ gắn vào dưới thân con giống, khiến nó phát ra tiếng tò te tí te, mà chuyển sang tên “Tò he” như người ta vẫn quen gọi và biết đến. Như vậy, từ một hình thức đồ lễ mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa cao, qua thời gian, tò he (hay chim cò) đã trở thành một thú vui chơi trong sáng, giản dị và đậm màu sắc dân gian.
Sự kiện “Từ con “bánh chim cò” tới tò he hiện đại” được MyHanoi tổ chức với mục đích giúp người xem có thể tìm hiểu về nguồn gốc của tò he trước đây, được chiêm ngưỡng những mẫu hình vốn là tiền thân của tò he, thấy được quá trình biến đổi từ những con “bánh chim cò” đến cái tên gọi tò he như ngày nay. Ngoài ra, khi tham gia chương trình, công chúng còn được giao lưu, trải nghiệm thỏa sức sáng tạo để năn những con tò he của riêng mình dưới sự hướng dẫn của những người nghệ nhân và MyHanoi.