Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ cơn sốt “Anh trai” và bài học cho công nghiệp biểu diễn

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thành công của hai concert “Anh trai say hi” tại sân vận động Mỹ Đình thu hút hàng vạn khán giả tới xem mở ra nhiều hướng mới cho Hà Nội trong phát triển công nghiệp biểu diễn, tổ chức các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật lớn, qua đó thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

Sôi động nhờ những đêm nhạc

Những ngày qua, hình ảnh các tuyến đường xung quanh sân vận động quốc gia Mỹ Đình luôn kẹt cứng trước và sau thời điểm diễn ra concert 3 và 4 của chương trình “Anh trai say hi” đã trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Lời khen dành cho chương trình cũng nhiều và ý kiến chê cũng không ít, tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan, hai đêm concert “Anh trai say hi” vào ngày 7 và 9/12 đã mang đến làn gió sôi động cho thị trường âm nhạc cuối năm tại Thủ đô.

Hàng nghìn khán giả xếp hàng làm thủ tục checkin vào concert "Anh trai say hi" trước cửa sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: BTC
Hàng nghìn khán giả xếp hàng làm thủ tục checkin vào concert "Anh trai say hi" trước cửa sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: BTC

Theo thông báo từ Ban Tổ chức, mỗi đêm diễn thu hút hàng chục nghìn khán giả tới xem. Cả một rừng lightstick (que phát sáng) vẫy theo tiếng nhạc tạo nên một hình ảnh vô cùng ấn tượng. Ước tính nguồn thu từ phát hành vé là tương đối lớn, bởi mức vé thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất lên đến 10 triệu đồng, song thường “cháy vé” sau khi mở bán, cho thấy sức hút đặc biệt của chương trình.

Không những thế, các dịch vụ đi kèm cũng nở rộ như foodtruck (xe bán đồ ăn lưu động), quầy merchandise (bán lẻ) bán ảnh, đồ lưu niệm có hình nghệ sĩ... Đáng chú ý, chiến dịch tiếp sức cho thần tượng cũng được tổ chức khi fan mạnh tay chi tiền quảng bá hình ảnh nghệ sĩ yêu thích trên xe buýt, màn hình Led trên các trục đường…

Hình ảnh ấn tượng tại concert "Anh trai say hi" trên sân Mỹ Đình.
Hình ảnh ấn tượng tại concert "Anh trai say hi" trên sân Mỹ Đình.

Đây là những hoạt động mới xuất hiện tại Hà Nội nhưng khá quen thuộc với nền công nghiệp biểu diễn của các nước. Còn nhớ tại chương trình “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” 2023 Chi Pu tham gia tại Trung Quốc, dù là gương mặt mới song nữ ca sĩ cũng được fan Trung hết lòng tiếp sức. Hình ảnh giọng ca “Đóa hoa hồng” được in quảng bá trên xe buýt 2 tầng, cờ, quạt hay trình chiếu trên màn hình Led của ga tàu điện ngầm… từng khiến fan Việt nức lòng.

Trước đó, đại nhạc hội Viettel Y-Fest 2024 tổ chức tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám – phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào tháng 11/2024 cũng thu hút hàng vạn khán giả, hơn 10.000 vé tham dự được phát hành hết toàn bộ vài ngày trước đêm diễn. Với sự góp mặt của nhiều ngôi sao ca nhạc như Sơn Tùng M-TP, Issac, Soobin Hoàng Sơn, Hòa Minzy, HIEUTHUHAI, Orange, Dương Domic, DJ KS… đêm nhạc đã mang đến không khí sôi động, cuồng nhiệt cho khán giả.

Trước khi tổ chức tại Hà Nội, “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng đã tổ chức đêm nhạc tại TP Hồ Chí Minh thu hút hàng vạn khán giả tới thưởng thức. Thậm chí tối 19/10, cả hai concert diễn ra cùng thời điểm song đêm nhạc nào cũng “cháy vé”.  

Quầy đồ lưu niệm của "Anh trai say hi" luôn đông khách. Ảnh: BTC
Quầy đồ lưu niệm của "Anh trai say hi" luôn đông khách. Ảnh: BTC

Lãnh đạo Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh chia sẻ, ngành công nghiệp biểu diễn của TP vốn rất sôi động và thời gian gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt live concert với sức đầu tư lớn về nội dung, hình thức và số lượng khán giả trên chục ngàn người như live concert "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai". Các show ca nhạc đã đóng góp hiệu quả vào phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội. “Công nghiệp văn hóa được xem là "sức mạnh mềm" của địa phương, mở đường, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội  TP” – lãnh đạo Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh nhìn nhận.

Chuyên nghiệp hóa khâu tổ chức

Sức nóng của “Anh trai say hi” là không phải bàn cãi khi chứng kiến cảnh hàng nghìn khán giả xếp hàng từ nửa đêm, sáng sớm để làm thủ tục checkin vào dự concert. Thành công của chương trình cũng cho thấy nghệ sĩ trẻ Việt Nam phần nào ghi được dấu ấn trong lòng công chúng, không thua kém các nghệ sĩ thần tượng Hàn Quốc.

Đặc biệt, Ban Tổ chức “Anh trai say hi” cũng khéo léo lồng ghép những hoạt động về nguồn ý nghĩa như tổ chức cho các nghệ sĩ vào viếng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; rồi tìm hiểu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam tại Báo Nhân Dân. Qua đó để mỗi nghệ sĩ trẻ ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm với gia đình, xã hội và Tổ quốc.

Các tiết mục trình diễn nhiều màu sắc của "Anh trai say hi". Ảnh: BTC
Các tiết mục trình diễn nhiều màu sắc của "Anh trai say hi". Ảnh: BTC

Nam rapper HIEUTHUHAI – Quán quân của “Anh trai say hi” bày tỏ mong muốn có nhiều sân chơi để nghệ sĩ có thể giao lưu, gần gũi hơn với người hâm mộ và đóng góp nhiều hơn vào nền văn hóa nước nhà, góp phần giúp văn hóa Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Mặc dù vậy, trong công tác tổ chức các đêm nhạc vẫn còn những hạn chế cần phải cải thiện để ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đơn cử, sau đêm concert 3 "Anh trai say hi", đã có những ý kiến phàn nàn về việc Ban Tổ chức xử lý chưa nhanh chóng tình huống có người ngất xỉu do quá đông; rồi bố trí các vị trí ngồi chưa thật sự tương xứng với số tiền khán giả bỏ ra mua vé. Đặc, biệt, công tác tổ chức cần khoa học hơn, tránh để khán giả phải xếp hàng tới nửa ngày làm thủ tục checkin đổi vòng tay và nhận quà, tạo cảm giác mệt mỏi không đáng có…

Bên cạnh đó, hai đêm diễn tổ chức quá sát nhau (7 và 9/12) nên thời gian để chuẩn bị cho việc đổi mới các tiết mục, ý tưởng sân khấu cũng còn những hạn chế nhất định. Bản thân, các nghệ sĩ cũng phải căng mình luyện tập cho những đêm diễn dày đặc, khó bảo đảm yếu tố chuyên môn.

Khán giả phải đến trước cả nửa ngày để làm thủ tục đổi vòng, nhận quà tại concert "Anh trai say hi".
Khán giả phải đến trước cả nửa ngày để làm thủ tục đổi vòng, nhận quà tại concert "Anh trai say hi".

Đặc biệt, một trong những hạn chế cần khắc phục là hạ tầng phục vụ biểu diễn cho các chương trình với quy mô lớn còn thiếu. Hiện nay ngoài sân vận động, Ban Tổ chức thường tận dụng các khoảng đất trống rộng rãi để tổ chức đêm nhạc. Do đó, các điều kiện hậu cần đi kèm chưa đồng bộ. Thêm vào đó, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, hệ thống cơ khí chuyển động cho sân khấu trình diễn âm nhạc đỉnh cao vẫn là những điểm yếu cần khắc phục.

NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nêu thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện đang có rất nhiều bất cập, chưa đồng bộ từ thể chế đến hạ tầng và nhân lực. "Các thiết chế phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn thiếu và yếu. Tại Thủ đô Hà nội, các rạp hát đủ tiêu chuẩn quốc tế đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay, chỉ có thể kể đến Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm là đạt tiêu chuẩn nhóm A trên thế giới; còn lại đều đã quá cũ không đáp ứng thỏa mãn cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Các điểm diễn ngoài trời có sức chứa cho các show ca nhạc lớn cũng như vậy phải tận dụng sân vận động, nhà thi đấu" – NSƯT Cao Ngọc Ánh nêu.

Ca sĩ Issac chụp ảnh lưu niệm cùng người hâm mộ. Ảnh: BTC  
Ca sĩ Issac chụp ảnh lưu niệm cùng người hâm mộ. Ảnh: BTC  

Tại hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tổ chức ngày 6/12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đối với các đơn vị nghệ thuật cần phải vươn ra thị trường, đổi mới các chương trình, tìm đến với khán giả.

Lấy dẫn chứng về một số chương trình biểu diễn đang “sốt” vé như “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, dù vé rất đắt nhưng chỉ mở bán vài chục phút đã hết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là điều các đơn vị nghệ thuật cần nghiên cứu, học hỏi.

 

Hai đêm concert của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink vào cuối tháng 7/2023 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội đã bán ra hơn 67.000 vé, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tổng doanh thu mang về gần 13,7 triệu USD (tương đương hơn 331 tỷ đồng), cao kỷ lục trong lịch sử tổ chức sự kiện giải trí tại Việt Nam. Những con số ấn tượng là minh chứng cho thấy văn hóa không chỉ dừng lại ở giải trí mà chính là động lực phát triển của nền kinh tế.