Từ “Đào, phở và piano” đến công nghiệp điện ảnh

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –“Đào, phở và piano” là trường hợp hiếm gặp với phim về đề tài chiến tranh do Nhà nước tài trợ. Từ hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, khi Nhà nước đã quyết định đầu tư sản xuất phim theo đặt hàng, nên cho phép đơn vị sản xuất vận động thêm nguồn lực từ bên ngoài.

Những ý kiến trên được đưa ra tại hội thảo khoa học “Di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Giá trị nghệ thuật, lưu trữ, khai thác và phổ biến trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0” do Viện Phim Việt Nam, Bộ VHTT&DL vừa tổ chức.

Phim Nhà nước đặt hàng thường xuyên lỗ

Chiến tranh Việt Nam là đề tài lớn, xuyên suốt, một dòng chảy liên tục trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Nhiều bộ phim đi cùng năm tháng, phản ánh trung thực sự nghiệp cách mạng của Nhân dân như: “Chung một dòng sông” (1959), “Lửa trung tuyến” (1961), “Chị Tư Hậu” (1962), “Con chim vành khuyên” (1962), “Nổi gió” (1966), “Nguyễn Văn Trỗi” (1966), “Đường về quê mẹ” (1971), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972), “Em bé Hà Nội” (1974)…

Hình ảnh trong phim "Em bé Hà Nội".
Hình ảnh trong phim "Em bé Hà Nội".

Gần đây tiếp tục có những bộ phim về đề tài chiến tranh được thực hiện như: “Mùi cỏ cháy” (2012), “Những người viết huyền thoại” (2013), “Nhà Tiên tri” (2013), “Thầu Chín ở Xiêm” (2014), “Sống cùng lịch sử” (2014), “Truyền thuyết về Quán Tiên” (2019); “Bình minh đỏ”  (2021), “Đào, phở và piano” (2023).

 

Những rào cản pháp lý về bản quyền đã khiến cho việc khai thác, phổ biến, quảng bá giá trị tư liệu, phim điện ảnh chiến tranh cách mạng lưu trữ trong thời đại số bị giới hạn một cách đáng kể, nhất các hoạt động phổ biến trên không gian mạng internet.

Giám đốc Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh Huỳnh Công Khôi Nguyên - Viện Phim Việt Nam

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam thì đa số các bộ phim do Nhà nước đặt hàng đều thường xuyên lỗ vốn do quá ít người xem. Ngoài lý do nội dung kén khách, nguyên nhân, thấy rõ do không có kinh phí quảng cáo nên người xem không biết đến. Thường sau một vài buổi chiếu ra mắt, hoặc một đợt chiếu ngắn phục vụ chính trị nhân dịp kỷ niệm ngày lễ, rồi cất vào kho. Do cơ chế với những ràng buộc hiện hành quy định khai thác tài sản công, nên việc liên kết với các thành phần kinh tế (ngoài Nhà nước) để khai thác các bộ phim này là không được phép. Tiền phát hành phim thu được (sau khi trừ các chi phí nhà rạp, điện, nước, nhân công phục vụ, khấu hao máy móc, thiết bị... sẽ nộp về đâu)? Nguồn thu từ việc khai thác phim - thuộc tài sản công sẽ giao cho Cục Điện ảnh, hoặc Viện Phim Việt Nam hay Hãng phim - đơn vị trực tiếp làm ra tác phẩm? Điều này hiện cũng chưa được quy định rõ ràng trong nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Điện ảnh sửa đổi đã có hiệu lực thi hành.

Gợi mở hướng đi

Vừa qua, “Đào, phở và piano” bất ngờ trở thành hiện tượng, điều này cũng làm các chuyên gia trăn trở và đề xuất, khi Nhà nước đã quyết định đầu tư sản xuất phim theo đặt hàng, nhất là những đề tài nội dung chiến tranh, truyền thống cách mạng, nên cho phép đơn vị sản xuất (hãng phim/đoàn làm phim) vận động thêm nguồn lực từ bên ngoài.

Bối cảnh phim "Đào, phở và piano". Ảnh: Lại Tấn.
Bối cảnh phim "Đào, phở và piano". Ảnh: Lại Tấn.

Cụ thể, đơn vị sản xuất được kết hợp thêm vốn theo hình thức xã hội hóa, để tăng thêm kinh phí cho hoạt động sản xuất ngay từ đầu vào. Bởi, việc mở rộng kết hợp nhiều nguồn đầu tư sẽ có nhiều lợi ích, trong trường hợp khi các bên đối tác cùng đồng lòng góp vốn, nếu có rủi ro sẽ cùng chia sẻ; khi có lợi nhuận, các bên cùng được hưởng thành quả theo tỷ lệ góp vốn.

Ngoài đầu tư cho hoạt động sản xuất phim, Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư đồng bộ cho hoạt động phát hành phim và chiếu bóng. Do hiện nay đa số các rạp chiếu bóng có không gian tốt, thiết bị chiếu và âm thanh hiện đại đều thuộc sở hữu tư nhân và yếu tố nước ngoài. Do đó, đây là chi phí bắt buộc để thuê phòng chiếu, điện, nước và các thù lao phục vụ.

Mặt khác, cần quan tâm đặc biệt đến chiến lược quảng cáo, tuyên truyền giới thiệu tác phẩm cần được quan tâm vận hành bài bản ngay từ đầu vào, khi chuẩn bị khởi động dự án làm phim (đầu vào), kéo dài xuyên suốt quá trình dàn dựng, diễn xuất, quay phim, dựng phim, xử lý âm thanh, tiếng động, thoại nhân vật, âm nhạc, hiệu quả kỹ xảo, hòa âm... cho tới khi hoàn thiện tác phẩm và ra rạp (đầu ra). Ngoài chuyên mục talk show giới thiệu phim, phỏng vấn trên sóng truyền hình, cần tận dụng thế mạnh của nền tảng số: Tiktok, Zalo, Facebook, Viber, Instagram... để lan tỏa thông tin, quảng bá về bộ phim đang làm, sắp chiếu.

 

Việc ứng dựng công nghệ số trong sản xuất lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh mang lại nhiều ưu điểm đó là giá thành rẻ, cập nhật, chia sẻ với tốc độ nhanh, tuy nhiên để thay thế hoàn toàn cách lưu trữ phim nhựa, vật liệu gốc như hiện tại đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chưa kể các định dạng số thay đổi rất nhanh, nhanh chóng lỗi thời gây khó khăn cho việc tìm được công cụ hay phần mềm để đọc các dữ liệu. Điều đó dẫn đến khó khăn về ngân sách và nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi.

Trưởng phòng Nghiên cứu và Quay tư liệu - Viện Phim Việt Nam Tạ Hoàng Anh