Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ điểm chuẩn đại học 2024: hai vấn đề cần xem xét

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm 2024, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều trường đại học tăng cao; trong đó có những ngành lấy điểm chuẩn trên 29. Dư luận cho rằng, điểm chuẩn tăng tuy không bất ngờ nhưng rất bất thường, đặc biệt đang tồn tại sự mất công bằng giữa các phương thức.

Phi mã điểm thi và điểm chuẩn

Khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, với điểm số 28,9 điểm tổ hợp C00, chị Nguyễn Hồng Anh, trú tại Gia Lâm, Hà Nội nghĩ con mình có thể đỗ vào bất cứ ngành nào, trường nào có xét tuyển tổ hợp này, nếu muốn. Tuy nhiên, lúc các trường đại học công bố điểm chuẩn, chị Hồng Anh ngỡ ngàng khi với số điểm đó, con chị trượt ít nhất 4 – 5 ngành, gồm: Sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Trung Quốc học, Truyền thông quốc tế (Học viện Ngoại giao); Quan hệ công chúng, Báo chí (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) bởi các ngành này lấy điểm chuẩn rất cao, từ 29,03 – 29,3 điểm, tổ hợp C00. Chị Hồng Anh không thể ngờ, đạt 9,5 điểm/môn vẫn có thể trượt nguyện vọng đại học.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024.

Điểm chuẩn đại học năm 2024 tăng cao là điều đã được các chuyên gia tuyển sinh dự báo và phân tích từ trước nhưng khi biết điểm chuẩn chính thức, không ít người phải giật mình. Một điều bất thường, đó là điểm thi, điểm chuẩn khối xã hội (văn, sử, địa, giáo dục công dân) ngày càng có xu hướng cao hơn điểm thi và điểm chuẩn khối tự nhiên (toán, lí, hoá, sinh). Kỳ thi tốt nghiệp 2024 cho thấy “cơn mưa” điểm 10 khối xã hội nhưng lại rất ít điểm 10 khối tự nhiên, thậm chí không có bất cứ bài thi môn toán nào đạt điểm 10.

Chục năm trước, trung bình 7 - 8 điểm/môn tại kỳ thi đại học được cho là điểm rất tốt và có thể đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng thì nay, tại các trường được cho là tốp dưới cũng có điểm chuẩn từ 23 - 24 trở lên. Số trường, ngành có điểm chuẩn 26 - 27 - 28 trở lên nhiều đến nỗi không ai nhớ nổi. Vậy, học sinh thời nay giỏi hơn thời trước hay đề thi có vấn đề? Việc này cần phải xem xét, phân tích kỹ hơn vì với một kỳ thi lớn và quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi ngoài việc để đánh giá chất lượng dạy- học bậc phổ thông, xét tốt nghiệp THPT thì còn để xét tuyển đại học. 

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (toán, văn) và 2 môn lựa chọn (từ các môn còn lại học trong chương trình lớp 12). Môn ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút. Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần, trong đó có các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, dạng thức trắc nghiệm đúng/sai và dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn. Với đề thi như vậy, hy vọng sẽ bảo đảm chặt chẽ, tăng tính phân loại, không xảy ra tình trạng phi mã điểm thi, điểm chuẩn như hiện nay.

Bảo đảm tính công bằng giữa các phương thức

Hiện có hơn 20 phức thức xét tuyển đại học được Bộ GD&ĐT cho phép; trong đó, ngoài phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT thì có đến hơn một nửa phương thức là xét tuyển sớm (xét học bạ, xét chứng chỉ ngoại ngữ, xét kết quả các kỳ thi riêng….).

Không ít chuyên gia phản đối phương thức xét tuyển sớm vì lo ngại tác động tiêu cực của nó đối với kết quả học tập của học sinh cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường. 

Cần đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Cần bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Thêm vào đó, vì được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh nên các nhà trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm, chừa lại rất ít chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp dẫn đến điểm chuẩn tăng cao. Nên mới xảy ra câu chuyện, cùng 1 ngành học nhưng học sinh có học lực đuối hơn lại đỗ vì xét bằng phương thức học bạ hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, còn học sinh có học lực giỏi hơn lại trượt do xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trước đó, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất bỏ phương thức tuyển sinh sớm và đưa ra cách trường ông triển khai từ năm 2022 đến nay. Đó là sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp các yếu tố: điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực… Ông khẳng định, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh ủng hộ việc tuyển sinh một lần duy nhất cho một nguyện vọng qua mạng, giúp thí sinh có sự công bằng hoàn toàn.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh phân tích, với việc xét tuyển sớm, hiện chưa có hệ thống lọc ảo chung nên đa số các trường ĐH đều xác định số lượng thí sinh trúng tuyển cao gấp 3-5 lần so và giảm chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT, đẩy điểm chuẩn lên rất cao. Điều này tạo ra sự bất công trong tuyển sinh khi đa số các em học sinh ở các vùng khó khăn không có cơ hội vào ĐH vì không có điều kiện thi đánh giá năng lực hoặc thi lấy ngoại ngữ quốc tế.

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, tính công bằng chỉ bị ảnh hưởng khi trường ĐH đưa ra phương thức không bình đẳng với mọi thí sinh. Thí sinh ở  vùng núi, vùng khó khăn, nông thôn không thể có điều kiện để thi chứng chỉ IELTS, SAT để xét tuyển mà chủ yếu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường tuyển nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm thì rõ ràng, khó công bằng với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhìn rõ vấn đề này và cho rằng, không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển, các phương thức xét tuyển càng đơn giản càng tốt để tạo thuận cho học sinh và xã hội. Tới đây, Bộ sẽ xem xét toàn diện, có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau; sớm có dự thảo hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa, bảo đảm chất lượng, công bằng cho thí sinh.