Dư luận còn nhận thấy nhiều điểm chưa rõ ràng trong việc xử lý những vi phạm của dạng sách là kim chỉ nam tra cứu của nhiều độc giả.
Thu hồi và trả lại tiền
Sau khi lắng nghe các thông tin phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về những lỗi sai sót của cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang, Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia đã ra quyết định thu hồi cuốn từ điển xuất bản năm 2018 này.
TS Phạm Thị Trâm - Giám đốc NXB Đại học Quốc gia trả lời truyền thông: Những độc giả đã mua sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang có thể gửi đến địa chỉ của công ty liên kết xuất bản cuốn sách này và được trả lại tiền. Ngoài ra, Nhà sách Minh Thắng (808 đường Láng) sẵn sàng trả lại tiền cho khách hàng và không cần hóa đơn.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Hoàng Tuấn Công - người nhặt sạn 160 lỗi trong cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang, gần như 160 lỗi sai sót ở “Từ điển chính tả tiếng Việt” được bê nguyên xi từ “Từ điển tiếng Việt phổ thông” xuất bản năm 2003. Vậy, dư luận đặt ra câu hỏi, nếu thu hồi “Từ điển chính tả tiếng Việt” thì “Từ điển tiếng Việt phổ thông” có được phép được lưu hành? Chưa kể, theo thông tin chưa chính thức, cuốn từ điển này đang được nằm trong kho lưu trữ của sách tra cứu tại thư viện lớn bậc nhất cả nước.
Mỏi cổ chờ câu trả lời đúng - sai
Hiện nay, theo biện minh của tác giả GS.TS Nguyễn Văn Khang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, với đơn vị xuất bản cuốn sách, tiếng Việt đang còn bỏ ngỏ phần biến thể và vì cuốn sách không gắn cụm từ “dành cho học sinh” nên những trường hợp biến thể có thể sử dụng theo quan điểm của tác giả. Ngoài ra, nhiều tác giả của những cuốn từ điển từng bị tố làm từ điển sai sót cũng lấy lý do: Ở nước ta không có Luật tiếng Việt để yêu cầu người viết sách phải viết đúng theo một khuôn mẫu quy định.
Trong một cuộc hội thảo, các chuyên gia từng bàn đến sự cần thiết của việc xây dựng Luật tiếng Việt để khẳng định sự không thay đổi chữ viết trong tiếng Việt hiện hành; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thực tế cuộc sống; thống nhất cách viết liên quan đến tên đất, tên người, tên tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực ngôn ngữ cho rằng, dù có Luật tiếng Việt cũng không thể chi tiết hóa từng từ chính tả ví như: “Dòng sông” chứ không thể là “giòng xông” hoặc là “xa nhau” chứ không thể là “sa nhau”… Tất cả các quy ước này nó mang tính phổ thông, đã để tên sách là từ điển hoặc là từ điển chính tả phổ thông thì tác giả phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng thông thường nhất của tiếng Việt. Nếu có cách sử dụng khác theo tính địa phương hoặc quy luật phát triển của từ vựng thì phải mở ngoặc chú thích giải nghĩa rõ ràng để tránh hiểu lầm.
Trong vòng từ 10 - 15 năm nay, các NXB liên tục cho ra mắt những cuốn sách từ điển tiếng Việt với đủ thể loại, nhiều nhất là từ điển tiếng Việt khổ nhỏ dành cho học sinh. Nhưng có nhiều cuốn chất lượng lại kém, xào xáo, lắp ghép vô tội vạ. Những cuốn từ điển bị phát hiện nhiều lỗi sai như cuốn của GS.TS Nguyễn Văn Khang, cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân hay cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của PGS.TS Hà Quang Năng… rồi nhiều tác giả cuốn sách từ những năm trước đó vẫn được in ấn phát hành. Có những cuốn lưu hành hơn chục năm mới bị nhặt sạn rồi thu hồi.
Chưa kể, dư luận cũng đặt câu hỏi, việc thu hồi được thực hiện triệt để đến đâu, có con số thống kê bao nhiêu sách đã phát hành và bao nhiêu sách bị thu hồi sau mỗi sự vụ này không? Mỗi cuốn sách từ điển bị phản ánh sai, bên cạnh quyết định thu hồi, còn phải chờ lập hội đồng thẩm định mới có thể phân biệt được đúng sai của tác giả. Song bao nhiêu cuốn từ điển đã bị thu hồi nhưng vẫn chưa có câu trả lời đúng sai từ cơ quan quản lý về xuất bản.
"Tôi được biết Nhà nước cũng đã có quy định về việc xuất bản sách từ điển. Ví dụ ngoài biên tập của NXB, đơn vị liên kết xuất bản, bản thảo từ điển còn phải qua bước thẩm định độc lập của cơ quan chuyên môn nào đó. Vậy, cơ quan thẩm định đã giấu mặt khi xảy ra sự cố hay sự thực người ta đã bỏ qua khâu thẩm định độc lập này?" - Ông Hoàng Tuấn Công |