Tự dùng kháng sinh: Suýt chết vì viêm đại tràng giả mạc

Hà Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự ý dùng nhiều kháng sinh có thể gây loạn khuẩn đường ruột và gây bệnh viêm đại tràng giả mạc, nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh không chỉ gây tiêu chảy có máu và mủ, đau bụng quằn quại, buồn nôn, mất nước, rối loạn điện giải mà còn có thể biến chứng hạ huyết áp, hạ kali máu, suy thận, thủng ruột, nhiễm trùng ổ bụng và vỡ đại tràng...
Tiêu chảy, dịch tràn ổ bụng và phổi
Bà Trần Thị M., 72 tuổi (Hà Nội) bị đau dạ dày và tự ý mua nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau về dùng. Riêng đợt đau dạ dày lần này bà dùng trên 10 ngày bệnh vẫn không thuyên giảm. Không những thế, cơ thể bà còn mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn nôn, nhưng không nôn được, đại tiện phân lỏng (6 - 10 lần), phân nhầy, có dịch đục, bụng chướng, da và niêm mạc khô, nhăn nheo do đi ngoài nhiều, rối loạn điện giải. Đến khi bà bị khó thở, bụng chướng, đi khám, xét nghiệm nội soi cho thấy bà bị viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile (hậu quả dùng kháng sinh nhiều loại), dịch tràn màng phổi và ổ bụng, bạch cầu giảm nặng.
 Khám cho bệnh nhân tại Trung tâm tiêu hóa kỹ thuật cao Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Bà M. đã được điều trị tích cực bằng truyền dịch, cân bằng điện giải, bù albumin, dùng kháng sinh... và sau 15 ngày bệnh nhân tỉnh táo, ổn định. Các kết quả xét nghiệm huyết học và sinh hóa về gần bình thường, nội soi đại tràng 3 lần không còn vết loét và giả mạc, bệnh nhân được ra viện.
PGS.TS Vũ Đăng Khiên - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân may mắn được cứu sống nhờ chẩn đoán nhanh và kịp thời. Viêm đại tràng màng giả hay viêm ruột màng giả là bệnh nhiễm khuẩn ở ruột già do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra.
Bệnh nhân có triệu chứng đau quặn bụng, sốt, tiêu chảy rất nhiều lần… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân chủ yếu là loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh, hoặc bị suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là ở người già.
PGS.TS Vũ Đăng Khiên phân tích, quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu các chất dinh dưỡng và tạo phân trong đại tràng phải nhờ đến hệ vi khuẩn sống cộng sinh trong lòng đại tràng. Tuy nhiên, khi người bệnh dùng kháng sinh bừa bãi, không tuân thủ theo phác đồ và đặc biệt dùng nhiều loại khác nhau sẽ là điều kiện thúc đẩy cho các vi khuẩn có hại gây tổn thương đại tràng: Gây viêm và loét đại tràng toàn bộ.
Vi khuẩn Clostridium difficile thường gây bệnh ở những bệnh nhân dùng kháng sinh không tuân thủ phác đồ của thầy thuốc. Vi khuẩn Clostridium difficile là loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, vì vậy sức đề kháng rất cao khi ra bên ngoài cũng như trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn Clostridium difficile sẽ sản sinh ra độc tố ruột và độc tố gây độc tế bào. Độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm, dễ bong và khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc.
Khó chẩn đoán và biến chứng khôn lường
Theo PGS.TS Vũ Đăng Khiên, viêm đại tràng giả mạc là một bệnh còn rất khó nhận biết, đặc biệt ở các tuyến huyện, khi chưa có các thiết bị trợ giúp chẩn đoán và có các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, đau đớn (đau rút bụng và đau bụng), tiêu chảy mủ, máu hoặc chất nhầy trong phân, sốt, buồn nôn, mất nước...
Các triệu chứng của viêm đại tràng màng giả có thể bắt đầu trong vòng 1 - 2 ngày sau khi bắt đầu dùng kháng sinh, hoặc có thể không xảy ra cho đến vài tuần sau khi ngưng kháng sinh. Các chuyên gia cho biết, hầu hết mọi người đáp ứng tốt với điều trị nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhưng viêm đại tràng màng giả có thể gây tử vong nếu không điều trị hiệu quả.
Biến chứng thường xảy ra: Gây hạ kali máu do tiêu chảy nhiều; mất nước dẫn đến hạ huyết áp bất thường; suy thận do mất nước nặng do tiêu chảy và có thể gây thủng ruột kết dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng và vỡ đại tràng...
Để phòng tránh bệnh, tốt nhất chỉ nên dùng kháng sinh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị. Trường hợp sau khi dùng kháng sinh một thời gian hoặc đã ngưng dùng thuốc mà thấy đi ngoài ra máu thì phải thông báo cho bác sĩ, đi khám và điều trị ngay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần