70 năm giải phóng Thủ đô

Từ góc sân chơi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nào, sân chơi khu đô thị cũng ồn ã tiếng nói cười của trẻ nhỏ. Ông tôi vẫn bảo, chỉ cần cái sân chơi ấy thôi cũng đủ làm bức tranh để diễn tả một góc của cuộc sống người dân TP bây giờ.

Bởi ở cái sân ấy mỗi buổi trẻ nô đùa là “kèm theo” những người lớn đi theo trông chúng. Cha mẹ thì ít, ông bà cũng đếm trên đầu ngón tay, mà phần đông là người giúp việc.

Tỷ như nhìn từ sân chơi ấy sẽ thấy, người quê lên TP làm giúp việc ngày càng nhiều, góp thêm vào “độ phình” gia tăng dân số đô thị. Cái công việc chưa được định vị trong danh sách nghề kia đang “nở bung” giữa cuộc sống hiện đại. Rõ là người TP giờ có điều kiện kinh tế để đầu tư chăm chút cho con cái, nhưng hiềm một nỗi không có thời gian vì vòng xoay công việc cuốn họ theo nhịp độ hối hả từ sáng đến tận chiều tối. “Mượn” người trông con để bố mẹ yên tâm đi làm, nhưng cũng không ít người nắc nỏm vì không biết người giúp việc có yêu trẻ hay không. Trẻ sung sướng hơn vì có riêng một người trông nom chăm sóc, nhưng lại thiếu đi cái tính tập thể, biết tự lập sớm của đứa trẻ thời “đi nhà trẻ sớm”… Cái được – cái mất, mảng sáng – khoảng tối đan nhau hiện lên trên bức tranh cuộc sống ấy.

Hôm rồi rảnh rang, lang thang ở sân chơi náo nhiệt ấy, tôi còn thấy mấy bà giúp việc ngồi túm năm tụm ba bàn chuyện “Tết”. Bà này kể Tết năm ngoái “nhà chủ” cho cái này, cái nọ; bà kia hỏi rồi so bì lương tháng; bà khác lại thiệt hơn chuyện việc nhà, chuyện Tết được về quê mấy ngày, chuyện “thưởng Tết”… Thậm chí, họ còn đoán lương của chủ nhà, rồi đem ra so bì với lương giúp việc, xui nhau năm sau đòi… tăng lương. Chợt nghĩ, cuộc sống của người đô thị đôi khi có thể sẽ thêm những góc cạnh để bất giác phải lo toan và ngẫm nghĩ…

Quả ông tôi nói không sai, chỉ cần cái sân chơi buổi chiều đó thôi đã là bức tranh diễn tả một góc cuộc sống hối hả nơi đô thị. Bức tranh ấy có đủ các mảng màu sáng và tối, nhưng đã thay đổi nhiều so với khoảng 20 năm trở về trước.