
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đã xung phong lên đường, thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Giữa muôn trùng sóng gió, gian khổ, các cán bộ, chiến sĩ luôn chắc tay súng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương, khẳng định tinh thần “Hà Nội vì Trường Sa”.

Tại đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp trò chuyện, gặp gỡ Trung tá Cấn Ngọc Sơn - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa là một trong số những người con Hà Nội đang tiếp bước truyền thống anh hùng của cha ông. Trung tá Cấn Ngọc Sơn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở Phúc Thọ (Hà Nội). Ông nội từng tham gia kháng chiến chống Pháp, bị địch bắt tù đày tại nhà tù Côn Đảo năm 1954; bác là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Phát huy truyền thống của gia đình, từ nhỏ anh luôn nuôi ước mơ trở thành Bộ đội Cụ Hồ, được cống hiến, phục vụ lâu dài trong quân đội. Năm 2004, Trung tá Cấn Ngọc Sơn quyết tâm và thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân I. Năm 2009, anh tốt nghiệp ra trường và được điều động về Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân công tác cho đến nay.

Trò chuyện với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Cấn Ngọc Sơn chia sẻ: “Bố mẹ tôi đang sinh sống ở Hà Nội, nên dù công tác xa quê, tôi vẫn luôn tự hào mình là người con của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tôi vẫn thường kể cho các chiến sĩ trên đảo về Hà Nội. Tôi luôn tự hào và biết ơn công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu, xây dựng quê hương, đất nước có được bình yên như hôm nay. Tiếp bước truyền thống cha anh, chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu, không sợ khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”.
16 năm công tác ở Quân chủng Hải quân, Trung tá Cấn Ngọc Sơn từng có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đó, khi đang làm Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B, anh đã được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2013 với nhiều thành tích.
Tại đảo Sinh Tồn, chúng tôi đã gặp Thiếu tá Nguyễn Giang Nam, Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng và Thiếu tá Đinh Văn Vang, đều quê ở Hà Nội. Các anh chia sẻ rằng, chính tình yêu Tổ quốc, trong đó có tình yêu dành cho Hà Nội đã thôi thúc các anh phấn đấu không ngừng, xông pha nơi tuyến đầu. Được phân công nhiệm vụ đi bất cứ nơi đâu, các anh đều tuân thủ, đó cũng là niềm vinh dự, tự hào của người lính. Và phía sau các anh luôn có hậu phương vững chắc trong đất liền, điểm tựa để các anh yên tâm công tác nơi đầu sóng, ngọn gió.

Hơn 30 năm gắn bó với lực lượng Hải quân, xác định “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, Thiếu tá Đinh Văn Vang (quê ở Đông Anh, Hà Nội) đã có nhiều năm công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thiếu tá Đinh Văn Vang chia sẻ: “Mỗi lần từ Hà Nội ra đảo, tôi mang theo hành trang quan trọng nhất là “tinh thần người Hà Nội”. Nhớ về Thủ đô, tôi nhớ nhất là đặc sản cốm Hà Nội”…
Quê ở Chương Mỹ (Hà Nội), Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng được phân công thực hiện nhiệm vụ quân y tại đảo Sinh Tồn. Công tác tại nơi đầu sóng, ngọn gió, anh trải qua nhiều điều mới mẻ, từ nếp sống đến tinh thần làm việc đoàn kết cùng anh em. “Chúng tôi xin hứa không ngại khó, ngại khổ, luôn nắm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền cột mốc biển, đảo. Đồng thời, bảo đảm sức khoẻ cho quân, dân trên đảo; cấp cứu, điều trị cho ngư dân vươn khơi, bám biển, hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao” - Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Giang Nam (quê ở Mỹ Đức, Hà Nội) đã có 29 năm công tác trong lực lượng Hải quân. “Trên đảo Sinh Tồn, các cán bộ, chiến sĩ luôn gắn bó tình cảm như anh em một nhà. Nhớ về Hà Nội, tôi luôn nhớ đến cây sấu và kỷ niệm nấu cơm bằng bếp rơm nơi quê nhà. Là người lính, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ của mình, luôn an tâm công tác, cố gắng hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó” - Thiếu tá Nguyễn Giang Nam chia sẻ.



Với Đại úy Nguyễn Hưng Chiều (quê ở Sơn Tây, Hà Nội; công tác tại đảo Đá Thị), thì Trường Sa không chỉ là nơi công tác mà đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Điều mà anh gây ấn tượng với các thành viên đoàn công tác là nước da đen nhẻm, nụ cười tươi rói, sự mạnh mẽ, can trường giữa biển trời sóng gió mênh mông.
Qua câu chuyện chia sẻ, được biết Đại úy Nguyễn Hưng Chiều đã thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa nhiều năm, thi thoảng anh mới được về, nên mọi việc nhà đều do một tay chị Nguyễn Như Quỳnh (công tác ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Hà Nội) - vợ anh quán xuyến. Lần lượt 2 con chào đời, tuy nhiên, lúc vợ “vượt cạn” lần đầu, anh không về kịp. Lúc sinh cháu thứ 2, anh chỉ vẻn vẹn ở nhà được ít ngày rồi phải lên đường làm nhiệm vụ. Vợ anh luôn thông cảm và hiểu cho hoàn cảnh, nhiệm vụ của chồng.

“Mọi người yên tâm, ở Trường Sa anh em chúng tôi luôn vững tay súng để giữ chắc chủ quyền biển, đảo, vì hòa bình đẹp lắm” - Đại úy Nguyễn Hưng Chiều chia sẻ.
Tham gia chuyến hải trình thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của Đoàn công tác TP Hà Nội, Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ (Công an TP Hà Nội) đã tặng cho Đại úy Nguyễn Hưng Chiều món quà rất đặc biệt. Đó là chiếc áo có hình cờ đỏ sao vàng và chiếc bánh chưng Tràng Tiền mang từ Hà Nội.
Chiếc áo là để người được tặng áo viết lên đó những lời nhắn gửi yêu thương tới gia đình ở quê nhà; còn chiếc bánh chưng là để người được tặng có được cảm giác đoàn viên, sum họp gia đình, cảm nhận hương vị quê nhà. Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương tình nguyện trở thành nhịp cầu yêu thương kết nối đảo xa với đất liền, khi mang theo nhiều chiếc áo có lời nhắn nhủ đó về với gia đình các chiến sĩ.
Trở về Hà Nội, Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương và một số thành viên đã đến thăm, tặng quà gia đình Đại úy Nguyễn Hưng Chiều ở Sơn Tây. Nhận món quà là chiếc áo cờ đỏ sao vàng với lời nhắn gửi của chồng “Ba mẹ con ở nhà giữ gìn sức khỏe, ba yêu 3 mẹ con”, chị Nguyễn Như Quỳnh (vợ Đại úy Nguyễn Hưng Chiều) đã vỡ òa cảm xúc.

Trò chuyện với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chị Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ, là vợ của lính đảo, không có chồng bên cạnh, đôi khi cảm thấy tủi thân, nhưng thay vào đó, chị luôn cảm thấy vinh dự và tự hào vì chồng mình đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển, đảo quê hương. Đồng thời, cũng thấu hiểu hơn sự vất vả, mất mát và hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang đang ngày đêm giữ gìn vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Mặc dù có những lúc khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi luôn là hậu phương vững chắc để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó” - chị Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ.
Những câu chuyện cảm động về người lính đảo trong suốt chuyến hải trình càng làm cho chúng tôi thấy được tinh thần kiên cường, bất khuất của quân và dân trên các điểm đảo. Trong đó có nhiều người con Thủ đô đang ngày đêm kiên cường chắc tay súng, gắn bó với đồng đội và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa, tiếp tục viết thêm những trang sử đầy tự hào về những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa.

