Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nói: “Trải qua 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, huy động và vận dụng tối đa tiềm năng, trí lực, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều Chỉ thị, Nghị quyết của T.Ư, của tỉnh và đạt được nhiều thành tựu nổi bật”.
Theo ông Lâm Văn Mẫn, tự hào với những kết quả đạt được, Sóc Trăng tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, đoàn kết, nhất trí khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hệ thống chính trị chuyển biến quan trọng về chất
Tại Sóc Trăng, các cấp ủy đảng làm tốt công tác giáo dục về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng bộ. Kết quả qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, có 2.499 tập thể điển hình và 5.656 cá nhân tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng; trong đó có 5 tập thể và 12 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Qua đó, đã góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Cán bộ, đảng viên luôn ra sức rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên gắn với sắp xếp, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn đã tạo bước chuyển biến quan trọng về chất, không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Công tác phát triển đảng luôn được quan tâm và đạt kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Đến cuối năm 2021 có 651 tổ chức cơ sở đảng và 46.804 đảng viên, so với năm 1992, tăng 276 tổ chức cơ sở đảng và 37.715 đảng viên.
Bộ máy chính quyền các cấp được quan tâm củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tốt. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm thực hiện.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy tốt vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; củng cố, mở rộng tổ chức; tập trung tuyên truyền giáo dục, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành pháp luật nhà nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 859.768 đoàn viên, hội viên, chiếm 71,65% so với số dân toàn tỉnh (trong đó có 487.576 đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội, chiếm 40,63% dân số), tăng 626.928 đoàn viên, hội viên so với năm 1992.
Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu tổng quát: Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đạt các mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: Thực hiện tốt hơn nữa 3 khâu đột phá chiến lược; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số, hình thành các DN công nghệ số; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và thế giới; thúc đẩy phát triển các vùng, các khu vực theo quy hoạch đã được phê duyệt; phát triển các mô hình kinh tế xanh cho các vùng và khu vực; phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa; nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; thực hiện có hiệu quả tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.