Quân y “đi trước, về sau”
Trong bất kỳ một chiến dịch quân sự nào, lực lượng quân y luôn vô cùng quan trọng, đặc biệt trong chiến dịch lớn như Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận nhưng lực lượng quân y đã góp phần to lớn trong Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong hồi ức của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Tụ (96 tuổi) khi đó là cán bộ quân y của Phòng Quân y Đại đoàn 316, để bảo đảm công tác điều trị, lực lượng quân y đã luôn sát cánh trên mọi chiến trường và có nhiều sáng tạo để phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ, kịp thời bổ sung lực lượng trở lại vị trí chiến đấu.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, sinh viên y khoa Nguyễn Tụ được tăng cường, điều động lên Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ. Trong suốt những năm kháng chiến, ông làm công tác quân y, đảm bảo vấn đề quân y, sức khỏe cho các chiến sĩ tham gia chiến dịch.
Có mặt tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, cựu chiến binh Nguyễn Tụ không thể nào quên những khoảnh khắc vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn trang thiết bị y tế, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “Công tác trong ngành quân y bao giờ cũng “đi trước” để chuẩn bị và “về sau” vì hàng nghìn thương binh cần được điều trị” - cựu binh Nguyễn Tụ nhớ lại.
Trong suốt chiều dài kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta đã tiến hành hàng chục chiến dịch tiêu biểu, nhưng theo cựu binh Nguyễn Tụ, Điện Biên Phủ là chiến dịch có nhiều cái nhất. Đây là chiến dịch dài ngày nhất, không chỉ là 56 ngày đêm mà nhiều đại đoàn phải có mặt tại Điện Biên trước đó hàng tháng để làm công tác chuẩn bị.
Đây cũng là chiến dịch có nhiều thương, bệnh binh nhất với gần 15.000 người; hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện khó khăn nhất. Tất cả mọi hoạt động của quân y đều ở dưới hầm - tiểu đoàn có hầm, trung đoàn có hầm, đại đoàn cũng có hầm.
Cùng với khó khăn về môi trường làm việc, những chiến sĩ quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn gặp các bất lợi về mặt chuyên môn bởi đây chủ yếu là những sinh viên y khoa xung phong vào phục vụ trong quân đội. Không những thế, trang thiết bị y tế thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ, lực lượng quân y làm việc trong môi trường khó khăn trăm bề, không đảm bảo điều kiện ánh sáng.
Tướng Nguyễn Tụ nhớ lại, sau khi giành chiến thắng, bộ đội rút khỏi Điện Biên, còn lại khoảng 6.000 thương binh, lực lượng quân y phải ở lại tổ chức đưa thương binh về bệnh viện địa phương theo hai hướng là Thanh Hóa và Phú Thọ. Sau khi kết thúc chiến dịch, hơn 1 tháng mới có thể đưa được hết thương binh về tuyến sau.
Trên mặt trận bảo đảm giao thông
Cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ thì lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đóng vai trò quan trọng trong việc tải đạn, làm đường, cứu chữa, vận chuyển thương, bệnh binh.
Nhớ lại những ngày tháng tham gia chiến dịch đầy gian khổ, ác liệt, cựu TNXP Nguyễn Hùng Thịnh (sinh năm 1935) kể lại, đơn vị của ông đóng quân ở ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Phía địch thường thả bom để chặn đường tiến quân của ta, có ngày huy động hàng chục máy bay ném bom.
“Do đó, Cò Nòi được mệnh danh là chảo lửa, túi bom, cửa tử. Dưới những cơn mưa bom của địch, đơn vị chúng tôi có 13 người hy sinh tại nơi đây, tuy nhiên, chúng tôi đã bám trụ kiên cường nhằm bảo đảm giao thông thông suốt” - cựu TNXP Nguyễn Hùng Thịnh hồi tưởng.
Trò chuyện với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, những người lính, TNXP từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đều vô cùng xúc động khi nhớ về những ký ức không thể nào quên.
Cựu TNXP Vũ Đình Lý (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) chia sẻ: “Khi mới 17 tuổi, tôi đã trực tiếp đi từ Thanh Hoá, ngày đêm hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Điện Biên”.
Trong suốt cuộc chiến, ông Vũ Đình Lý cùng đồng đội được giao nhiệm vụ làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt cho chiến dịch, đồng thời trực tiếp tham gia rà phá bom mìn, làm kho tàng, lán trại, canh gác bảo vệ, tải thương, tải đạn. Mọi khó khăn gian khổ trên chiến trường năm ấy không quật ngã được tinh thần thép của người TNXP.
Trong khi đó, với cựu TNXP Lê Như Tùng (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa), ở tuổi 16, ông là 1 trong 4 thanh niên của làng được chọn đi học trường thiếu sinh quân. Tuy nhiên, trước ngày đi học, 4 thanh niên đã tham gia lực lượng TNXP, đi bộ từ Nam Đàn (Nghệ An) ra Điện Biên để thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt”.
“Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, 3 người bạn cùng làng tôi đều hy sinh (1 người hy sinh ở đồi A1; 2 người mất ở Đèo Pha Đin), khiến tôi luôn trăn trở, nhớ đến đồng đội của mình, luôn nhớ ơn tới các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh…” - Cựu TNXP Lê Như Tùng chia sẻ.
Những cống hiến, đóng góp của những người lính, TNXP trong suốt quá trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, lao động và học tập cho mỗi người dân mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, thôi thúc tuổi trẻ ngày nay nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Cùng chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Thủ đô đã tổ chức hàng nghìn trận đánh lớn, đánh nhỏ ở các huyện ngoại thành, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, vũ khí, khí tài của địch.
Điển hình như: Trận tập kích sân bay Bạch Mai; sân bay Gia Lâm, phá hủy 33 máy bay và nhiều kho nhiêu liệu của địch, góp phần làm suy yếu sự chi viện bằng đường không của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đồng thời, Hà Nội đưa 5.985 thanh niên vào quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ Chiến dịch Biên giới, đến Thượng Lào, Hạ Lào… Trong đó, có 1.697 người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày toàn thắng” - Thiếu tướng Lê Như Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội.