Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự hào con Lạc cháu Hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những gương mặt kiều bào trở về quê hương giữa tiết trời ấm áp và nắng vàng Thủ đô như bừng sáng, rạng người hạnh phúc khi được tụ hội về tham dự chương trình “Xuân Quê hương-Lạc Hồng vinh hiển” 2014 sẽ diễn ra tối nay, tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Những cái nắm tay như chặt hơn, những ánh nhìn như tha thiết hơn của bao người con đất Việt dành cho nhau khi đang ở năm châu bốn biển xa cách nghìn trùng nay bỗng dưng được gặp ở quê nhà. Niềm vui lan tỏa từ nét bối rối của những chia sẻ quá đỗi thật thà đến tiếng cười, giọng nói vẫn đậm chất vùng miền của những người con xa quê dễ đã nửa thế kỷ. Với họ, được đứng đây, giữa Hà Nội lộng gió, được nói tiếng mẹ đẻ với đồng bào của mình thôi cũng đủ khiến trái tim phải rung lên đầy xúc động...

Giao thừa nơi xứ tuyết...

“Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ Tết/ Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà/ Mâm ngũ quả, khói hương trầm nghi ngút/ Lịch bên tường, đào phớt đỏ sắc hoa/ Lòng man mác nỗi niềm nơi xóm vắng/ Bóng cha già lau hương án gia tiên/ Mẹ lúi húi canh đèn bên bếp lửa/ Nghe bước chân thắc thỏm ngó qua thềm/ Con chưa thể trở về thăm cha mẹ/ Trái tim đau vết sẹo đỏ chưa lành/ Chưa gục ngã trước bão giống số phận/ Những nỗi buồn bạc trắng cả ngày xanh/ Có tất cả nhưng làm sao có Tết/ Xung quanh con xa lạ biết bao người/ Sau cửa sổ mịt mờ mây xứ tuyết/ Bếp lửa hồng dáng mẹ quá xa xôi...”

Tiến sỹ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng (từ Liên bang Nga) đã bắt đầu nỗi nhớ về những cái Tết xa nhà bằng bài thơ mà như ông nói, ở nơi xa ngàn dặm, xung quanh toàn tuyết trắng với những người Việt làm ăn lam lũ, trong không khí đó ông đã viết bài thơ này.

Người đàn ông có mái tóc bạc trắng cho biết: “Cứ hai năm tôi lại về Việt Nam ăn Tết một lần. Mọi người ở trong nước sẽ không thấy hết được sự thay đổi rõ rệt của diện mạo Việt Nam, nhưng tôi ở xa về thấy đất nước mình những năm qua biến đổi rất nhiều, từ gương mặt con người năng động hơn, các bạn trẻ có tư duy và tri thức hơn thời chúng tôi, phương tiện và vật chất đầy đủ hơn. Chỉ có điều, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn thì quá lớn. Tôi tin rằng trong thời gian không xa nữa Việt Nam có thể sánh ngang với nhiều cường quốc trên thế giới vì chúng ta có đủ điều kiện để hội nhập.”

Theo ông Hoàng, với những vấn đề vẫn còn tồn tại như vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội... Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết trong thời gian tới.

 
Kiều bào họp mặt trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2014. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Kiều bào họp mặt trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2014. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Hiện nay, ước tính khoảng 100.000 người Việt Nam ở Liên bang Nga, chủ yếu sống ở Mátxcơva. Do giao thông đã thuận lợi nên những năm gần đây: “Những gì là truyền thống người Việt đều dễ dàng được 'xuất khẩu' sang Nga. Chúng tôi vẫn đón Giao thừa, ăn bữa cơm tất niên như ở nhà, sớm Mồng Một cũng chọn người xông đất, lì xì cho con trẻ, cũng đón khách tới nhà chúc Tết... Chúng tôi đều duy trì phong tục như ở Việt Nam khi sang đây. Đặc biệt nhất có lẽ sẽ làm các bạn ngạc nhiên là gia đình nào ở bên Nga cũng có ban thờ gia tiên, kể cả sinh viên. Điều đó cho thấy văn hóa Việt vẫn luôn luôn trường tồn,” ông Hoàng cho hay.

Cũng theo vị tiến sỹ đã định cư ở Nga 1/4 thế kỷ này, thế hệ trẻ người Việt ở Nga bây giờ vẫn thích những món ăn Việt Nam. Tuy vậy, bất cập là ở chỗ gia đình có điều kiện và quan tâm thì con cái được học tiếng mẹ đẻ, hiểu biết về cội nguồn, còn lại nhiều gia đình mải làm ăn hầu như phó mặc con cho nhà trường giáo dục thì các em dễ bị mất đi nhiều giá trị truyền thống. Nhưng bù lại các em học rất giỏi, đạt nhiều thành tích cao là không thể phủ nhận.

...Và niềm tự hào con Lạc cháu Hồng

Với thế hệ thứ hai sinh và lớn lên trên đất nước Thái Lan như ông Phan Văn Vượng, ngay từ bé mặc dù phải sống trên đất khách quê người, lúc đó cuộc sống còn nghèo túng nhưng mỗi độ Xuân về, ông Vượng cùng các anh chị em trong gia đình vẫn được ông bà, cha mẹ sắm cho bộ quần áo mới, háo hức đón Tết Cổ truyền. Cậu nhỏ Vượng ngày đó đã sớm được sống trong không khí có cả nấu bánh chưng, câu đối Tết, nén hương, cúng sang canh đón Giao thừa... của cộng đồng người Việt trên đất Thái.

“Truyền thống này đã giáo dục, tạo dựng cho chúng tôi ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, biết yêu quê cha đất tổ, nơi chộn nhau cắt rốn của tổ tiên ông bà, biết trân trọng và quý giá thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, biết thương nhớ và hướng về cội nguồn. Truyền thống tốt đẹp này chúng tôi cũng sẽ nguyện quyết tâm giáo dục con cháu mãi mãi gìn giữ và phát huy,” ông Vượng chia sẻ.

Thế nhưng, mỗi lần về ăn Tết ở quê hương, bên cạnh niềm tự hào với truyền thống, ông Vượng cũng canh cánh một nỗi niềm về việc giáo dục, dạy dỗ, động viên lớp “con Lạc cháu Hồng” gìn giữ và phát huy tiếng mẹ đẻ, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình trên đất Thái Lan.

Bởi, thế hệ những người như ông Vượng luôn tậm niệm, ngoài việc dùng trí tuệ, chất xám của mình đóng góp cho đất nước sở tại cộng đồng người Việt còn phải đóng góp tích cực vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu.

“Để thể hiện mục tiêu đó, chúng tôi thấy ngoài việc lập các trường, lớp dạy tiếng Việt, cần thiết phải xây dựng một trung tâm văn hóa tại vùng Đông Bắc Thái Lan,” ông Vượng nói.

Còn với cô Phạm Thị Thuận, người phụ nữ khiến người tiếp xúc phải ngạc nhiên vì tuy đã gần 60 tuổi nhưng trông trẻ như mới ngoài 40 lại có hoàn cảnh gia đình chia cắt khá đặc biệt. Định cư bên Cộng hòa Séc đã ngót vài chục năm, nhưng chồng cô vì bệnh tật mà vẫn phải ở Hà Nội, trong khi đó con trai sống và lập nghiệp ở Thành phố Chí Minh còn cô và con gái làm việc bên Séc. Chính vì thế, mỗi năm cô đều dành khoảng hai tháng về Việt Nam ăn Tết.

Với người phụ nữ mộc mạc, chân chất này, “Tết quan trọng nhất là được sum họp, đoàn tụ gia đình để gắn kết tình cảm vợ chồng, con cái, bù đắp lại sự xa cách...,” cô Thuận xúc động nói.