Tự hào là người con thành phố mang tên Bác

Tiểu Thúy - Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 46 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh hôm nay đã vươn lên thành một đô thị hiện đại để lại niềm tự hào to lớn không chỉ trong lòng người dân TP, cộng đồng DN, mà còn cả những kiều bào xa xứ.

Thành phố đa năng

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, TS Sử Ngọc Khương đánh giá, trong hành trình 46 năm (1975 - 2021), TP Hồ Chí Minh luôn giữ vững vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
“Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới khó khăn thì tại Việt Nam, TP Hồ Chí Minh vẫn là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của kinh tế cả nước. Trong tương lai, với mục tiêu xây dựng kinh tế tri thức, không ngừng cải cách, đổi mới, TP Hồ Chí Minh được dự báo sẽ còn vươn xa hơn nữa”- TS Sử Ngọc Khương chia sẻ.

Tương tự, là Việt kiều Mỹ, thường xuyên đi về giữa hai đất nước, ông Nhân Huỳnh cảm nhận rõ sự đổi thay lớn của TP Hồ Chí Minh sau 46 năm giải phóng. Ông chia sẻ: “TP Hồ Chí Minh là nơi chôn nhau cắt rốn dù có đi đâu thì lòng vẫn hướng về mảnh đất này. Tôi còn nhớ, hồi mới giải phóng, bữa cơm gia đình phải độn bo bo, khoai, sắn. Nhưng sau 46 năm, người dân ăn ngon mặc đẹp, cuộc sống đủ đầy…, không chỉ tôi, mà kiều bào trên khắp thế giới khao khát được đầu tư vào TP Hồ Chí Minh”.
Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Chương
Nếu như người Việt xa xứ bất ngờ vì sự thay da đổi thịt của TP Hồ Chí Minh, thì ông Nguyễn Văn Châu (Bà Hom, quận 6, TP Hồ Chí Minh), người đã có hơn 60 năm sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cũng phải thốt lên rằng: “Cứ mỗi lần được con cái chở vào trung tâm TP tham quan, tôi lại đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Dù sống liên tục ở TP hơn 60 năm qua, tôi vẫn choáng ngợp trước sự phát triển của TP”. Cũng theo ông Châu, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, TP còn chú trọng phát triển giáo dục, văn hóa xã hội, đặc biệt là y tế.

Thành phố thông minh

Bên cạnh định hướng phát triển thành TP đa năng, mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh cũng được xem là một thành tựu to lớn của TP sau 46 năm giải phóng. Đánh giá về đô thị TP Hồ Chí Minh, tờ New York Times từng nhận định: “Sau nửa thế kỷ chiến tranh và nghèo đói, TP Hồ Chí Minh đang gấp gáp bước về phía trước với những kế hoạch khổng lồ về mở rộng và phát triển đô thị. Quyết tâm giành lấy vị trí xứng đáng là một trong những đô thị hàng đầu của thế giới”.

Là người am hiểu về lĩnh vực đô thị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh Corp Nguyễn Nam Hiền cho rằng: "Sau hơn hai năm nỗ lực thực hiện đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành TP thông minh, diện mạo TP đã có sự đổi thay rõ rệt, nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại được áp dụng đã mang lại những kết quả khả quan. Mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình đang dần trở thành hiện thực”.

Trực tiếp hưởng lợi từ đề án TP thông minh, chị Nguyễn Thị Thảo (Phạm Thế Hiện, quận 8, TP Hồ Chí Minh) nhận xét, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể sử dụng các ứng dụng đóng tiền điện, tiền nước, biết được thông tin kẹt xe, chống ngập...
Thậm chí chỉ cần lên mạng là đã có thể thực hiện các thủ tục hành chính một cách dễ dàng theo hình thức online. Chưa kể, việc thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP Hồ Chí Minh, được ví như một cú hích mới để tạo động lực cho đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

Thành phố nghĩa tình

Bận rộn phát triển kinh tế, xây dựng đô thị… song TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ quên trách nhiệm xã hội của “Thành phố nghĩa tình”. Những hình ảnh tương thân tương ái, quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ chí tình, vô tư lúc khó khăn, hoạn nạn trở nên phổ biến, thành giá trị sống của đại bộ phận người dân TP Hồ Chí Minh hôm nay. Dù trong chiến tranh hay hòa bình, TP Hồ Chí Minh luôn tiên phong đưa ra nhiều giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống người dân, công nhân, viên chức, lao động đã được TP thực hiện thành công.
Những chính sách, chương trình như: Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; xây dựng nông thôn mới… đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội, giữa thành thị và nông thôn; nâng dần chuẩn an sinh xã hội…

Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội và đời sống, nhiều người lao động bị tạm mất việc, mất thu nhập. Trong bối cảnh đó, tại TP Hồ Chí Minh, người dân đã có những nghĩa cử hào hiệp, những tấm lòng thơm thảo, những câu chuyện ấm áp tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Họ giúp nhau qua cơn khốn khó bằng suất cơm, túi gạo.
Thử hỏi, ở đâu trên thế giới này, có nghĩa tình như cái tình, cái nghĩa mà người Sài Gòn dành cho nhau. “Đi trong những ngày tháng 4 mang ý nghĩa lịch sử, tôi càng thêm tự hào vì là một người con của TP Hồ Chí Minh, TP mang tên Bác Hồ, TP văn minh hiện đại” - anh Phạm Thanh Huy (Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) nói về tình yêu TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần