Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên mảnh đất danh hương Thường Tín

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình, độc lập và đang phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Để có được điều đó không thể không nhắc đến thế hệ cha anh đi trước đã đổ biết bao xương máu và sự hy sinh to lớn, thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm, xã Tự Nhiên.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm, xã Tự Nhiên.

Giữa mùa tri ân, chúng tôi tìm về bên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hoàn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín. Ở tuổi 102, giờ Mẹ không còn nghe được rõ, chuyện ngày trước có đoạn nhớ đoạn quên, nhưng ánh mắt Mẹ như sáng hơn khi nhắc những chuyện xưa.

Mẹ sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở tại Giáo xứ Kẻ Nghệ, thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường. Mẹ lập gia đình và có người con trai duy nhất là anh Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1953).

Mẹ tần tảo sớm hôm, làm nhiều nghề khác nhau để nuôi anh Đức khôn lớn. Năm 1967, chiến dịch mùa khô ngày càng khốc liệt ở chiến trường miền Nam, anh Đức nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường vào mặt trận Quảng Nam. Chiến tranh khốc liệt, Mẹ không nhận được dù là một mẩu tin của người con trai nơi chiến trường khốc liệt. Năm 1971, mặt trận báo về, anh Đức hy sinh. Vượt lên nỗi đau, Mẹ chia sẻ: “con mẹ hy sinh xương máu cho Tổ quốc, là vun đắp cho hoà bình dân tộc, đó là niềm tự hào của người mẹ”.

Đất nước thống nhất Bắc - Nam một nhà, Mẹ Hoàn tần tảo làm nghề buôn bán, trở thành tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào lao động sản xuất tại địa phương. Năm 2009 được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành, phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Đức được đưa về quê nhà tại nghĩa trang liệt sĩ xã Minh Cường.

Tâm nguyện lớn nhất của Mẹ Hoàn được đón anh Đức về với quê hương đã trọn vẹn. Giờ tuổi đã cao nhưng Mẹ vẫn giữ tinh thần lạc quan, mỗi dịp cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể đến thăm hỏi, Mẹ Hoàn thường đọc thơ, hát cho mọi người nghe. Mẹ Hoàn giờ sống chung với người cháu trai họ.

Ngoài sự quan tâm chu đáo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Việt Thái cũng nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời.

Chia tay Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hoàn, chúng tôi tìm về gặp Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm ở xã Tự Nhiên để nghe mẹ kể về những ký ức hào hùng một thời “khói lửa”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hoàn
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hoàn

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm sinh năm 1925, trong một gia đình thuần nông nghèo tại xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa. Năm 1947, Mẹ theo gia đình ra Hà Nội, sau đó kết hôn với ông Nguyễn Hồng Thắng, người xã Tự Nhiên, sinh sống tại số 95 Khâm Thiên - Hà Nội.

Căn nhà nhỏ của gia đình Mẹ Điểm ở phố Khâm Thiên trở thành cơ sở nuôi giấu và hoạt động cách mạng. Đến năm 1952 thì bị lộ, gia đình chuyển về xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa; đến năm 1980, gia đình Mẹ lại phải chuyển về xã Tự Nhiên sinh sống cho đến nay.

Mẹ Điểm sinh được 8 người con, trong đó có 4 người đi bộ đội, 2 người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lý (SN 1952), hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1969 và liệt sĩ Nguyễn Công Kỳ (SN 1958), hy sinh ở chiến trường Hoàng Viên Sơn trong cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam năm 1979.

Năm nay, ở tuổi 99 tuổi, dù sức khỏe đã yếu nhưng vẫn còn minh mẫn, Mẹ đang sinh sống cùng người con trai út và được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thường Tín nhận phụng dưỡng. Nhiều năm liền, gia đình đạt danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu”, năm 2021, Mẹ vinh dự là một trong 20 Mẹ Việt Nam anh hùng tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trên dải đất hình chữ S, còn biết bao Mẹ Việt Nam anh hùng trung hậu, tảo tần, lặng thầm với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để góp phần thêu dệt nên trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc. Kết thúc các cuộc chiến tranh, Thường Tín có 252 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện chỉ còn Mẹ Hoàn, Mẹ Điểm còn sống.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định, để bù đắp những đau thương mất mát, giúp các mẹ có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã chăm sóc, phụng dưỡng bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính cùng sự biết ơn sâu sắc đã giúp các mẹ sống vui khỏe, sống thọ hơn để thấy quê hương, đất nước ngày càng đổi mới và phát triển đi lên. Trong đó có một phần đóng góp của cán bộ, Nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín.

“Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của các mẹ vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng, vào Đảng, vào tương lai của đất nước. Thế hệ hôm nay rất đỗi tự hào về các mẹ - những người Mẹ Việt Nam anh hùng” - Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh chia sẻ.