Nhìn lại hành trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong điều kiện xã hội đương đại, chính quyền cùng Nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung đã và đang hoàn thành 10 nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Thời gian đó “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được xếp là 18 hồ sơ tốt nhất trong tổng số 36 hồ sơ được Nhóm tư vấn gồm các nhà khoa học của 6 quốc gia lựa chọn đưa ra trình Ủy ban liên Chính phủ.
Theo câu chuyện gợi nhớ của GS.TS Nguyễn Chí Bền: Hôm đó, việc xét các hồ sơ chưa xong, còn 11 hồ sơ, trong đó có hồ sơ của Việt Nam. Ông Chủ tịch thông báo để lại ngày hôm sau. Và 12 giờ 3 phút giờ Paris (tức 18 giờ 3 phút giờ Hà Nội) ngày 6/12/2012 bắt đầu xét hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam. Hội trường lặng phắc, trên màn hình là những ảnh về di sản được trình chiếu với những đánh giá của Nhóm Tư vấn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Không một câu hỏi chất vấn hay bình luận, 12 giờ 9 phút giờ Paris (tức 18 giờ 9 phút giờ Hà Nội), hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nhận được sự chấp thuận tuyệt đối (24/24) của các thành viên đại diện cho các quốc gia trong Ủy ban liên Chính phủ, đồng ý vinh danh đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ giây phút ấy, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã bước ra khỏi biên giới mảnh đất hình chữ S, trở thành tài sản của nhân loại.
Theo PGS TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thư ký hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”: Sau 10 năm được ghi danh, đánh giá lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn vinh giá trị tổ tiên - dân tộc mình, có thể thấy rằng, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện thành công rất nhiều việc. Cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu; các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng đã được sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ; hoạt động quảng bá giá trị của tín ngưỡng được thực hiện khá bài bản và thực sự đã phát huy hiệu quả truyền thông.
Có thể nói rằng, các thế hệ người Việt sáng tạo ra hình ảnh vị vua dựng nước, giữ nước vừa thực vừa ảo, vừa thiêng liêng như tổ tiên của dân tộc, vừa gần gũi với mỗi người dân. Việc UNESCO ghi danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng nghìn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của dân tộc ta.