Tự hào về một chặng đường vẻ vang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ảnh: Minh Điền

Cách đây 85 năm, một sự kiện trọng đại đối với đời sống và vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã diễn ra - hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam đã họp từ ngày 3 - 7/2/1930 ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ảnh:  Minh Điền
Kinhtedothi - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ảnh: Minh Điền
Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc. Và 85 năm qua, thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng đã khẳng định vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xây dựng thành công chế độ xã hội mới.

1. Lịch sử đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đã chứng minh được vai trò của một Đảng cách mạng chân chính nhất, có sức hội tụ lớn nhất và đã trở thành đội tiên phong của giai cấp, của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình.

Tháng 8/1945, ở tuổi 15 với 5.000 đảng viên nhưng Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng vĩ đại, xóa bỏ ách đô hộ của thực dân, đưa Nhân dân ta lên địa vị người chủ xã hội. Tiếp đó, qua 30 năm đấu tranh cách mạng (1945 - 1975), Đảng ta đã lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước Việt Nam thống nhất, bước sang trang sử mới, Đảng lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Năm 1986 đánh dấu một mốc son khác trong sự lãnh đạo của Đảng với sự phát triển của đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (12/1986) đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là khuyết điểm chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo kinh tế, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Và những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quan hệ quốc tế... đã khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo trong đường lối của Đảng. Nhiều nghiên cứu về Đảng đã chỉ ra, đây là một bước đột phá quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng, tạo tiền đề lý luận cho việc triển khai đồng bộ và nhất quán các giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là giải pháp cải cách kinh tế để giải phóng sức sản xuất, thực hiện sự chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1/7/1996) cũng đã nhận định: Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn. Đồng thời, đề ra nhiệm vụ cho giai đoạn 1996 – 2000 là: “Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống Nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào thế kỷ sau”…

3. Có thể khẳng định, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI đến nay là một công trình sáng tạo lớn. Đến nay, sau gần 30 năm thực hiện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng. Nếu như ở giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân năm chỉ đạt 4,4%; giai đoạn 1991 - 2000, GDP tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001 - 2005 GDP bình quân đạt 7,34%; giai đoạn 2006 – 2010, vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 6,32%/năm. Do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ công tại châu Âu năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đã chậm lại trong các năm tiếp theo, giai đoạn 2011 - 2013, GDP tăng bình quân 5,6%/năm. Tăng trưởng GDP năm 2014 đạt 5,98%. Đặc biệt, GDP bình quân đầu người không ngừng tăng, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế mới và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Những thành quả có được trong 85 năm qua là minh chứng rõ ràng nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của Nhân dân. Đảng đã không ngừng tự đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức được đẩy mạnh; tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng... để mỗi người thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục tạo nên những mốc son mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần