70 năm giải phóng Thủ đô

Từ hậu quả xả nước của thủy điện Hố Hô: Loại bỏ ngay những dự án thủy điện nhỏ

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế từ năm 2011 đến nay, những sự cố liên quan đến thủy điện cũng xảy ra khá thường xuyên.

“Nếu đúng quy trình mà vẫn bất lợi cho hạ du thì phải rà soát lại quy trình. Mục tiêu là điều hành thủy điện, đảm bảo an toàn công trình, phát điện nhưng phải giảm thiểu tác hại của xả lũ đến đời sống người dân” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh điều này khi làm việc cùng đoàn kiểm tra tại Nhà máy thủy điện Hố Hô (tỉnh Hà Tĩnh) do Công ty Thủy điện Hồ Bốn quản lý, vận hành ngày 18/10.

Xem lại quy trình nếu để người dân không kịp trở tay

Báo cáo về việc vận hành Nhà máy thủy điện Hố Hô Công ty Thủy điện Hồ Bốn nêu, Nhà máy có công suất lắp máy 14 MW gồm 2 tổ máy với dung tích 38 triệu m3; Dung tích hữu ích 6 triệu m3.Tại thời điểm mưa to kéo dài, đến 18 giờ 30 phút ngày 14/10, trượt mái cơ taluy dương vai phải đập với lượng sạt lớn và có nguy cơ sạt trượt đất đá vào Trạm biến áp 35kV và nhà máy có thể gây mất an toàn cho người và thiết bị.
 

Lưu lượng nước về hồ lúc đó là 1843m3/s và chưa có dấu hiệu giảm nên cửa van cung của Nhà máy được mở hết lưu lượng qua tràn bằng với lưu lượng nước về. Việc mở van này kéo dài đến 3giờ ngày 15/10. Thông báo mới nhất, hiện Nhà máy đã giảm lưu lượng nước qua tràn. Công ty Cổ phần thủy điện Hồ Bốn cũng đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương với nội dung khẳng định việc xả nước được báo trước, đảm bảo các quy định về an toàn kỹ thuật. Thậm chí theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Đỗ Đức Quân, tham gia đoàn kiểm tra, lũ lên rất nhanh, nguyên tắc vận hành là xả ít hơn lũ đến, do tình huống bất ngờ, bên phải đập sạt lở, nguy cơ phá vỡ tường chắn, tràn đến trạm biến áp. Lúc đó nếu mất điện toàn bộ nhà máy thì nguy cơ không mở được cửa van nữa. “Giai đoạn đó chưa được phép mở nhưng nhà máy quyết định mở. Chúng tôi cho rằng quyết định đó là phù hợp. Nếu không mở, không biết lũ lên bao lâu nữa, mất điện mà khối trượt đổ xuống thì còn nguy hiểm hơn”, ông Quân nói.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của người dân, chỉ 15 -30 phút sau khi thông báo, nước từ hồ chứa của thủy điện Hố Hô đã đổ dồn xuống hạ lưu khiến các hộ dân không có đủ thời gian di dời tài sản đến nơi an toàn. “Nếu có cảnh báo sớm hơn, dù ngắn ngủi nhưng có thêm 1-2 tiếng đồng hồ sơ tán là cần thiết” Giám đốc Sở Công Thương Hà TĨnh Hoàng Văn Quảng nêu ý kiến. Trong khi đó, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra ngày 18/10,

Bí thư Huyện ủy Hương Khê Đinh Hữu Tân thẳng thắn cho rằng, quy trình điều tiết lũ của thủy điện là chưa an toàn. Khi lũ chưa về thì phải xả trước, để tới khi lũ về nhanh thì xả vừa phải, sẽ điều tiết được lượng nước. Thậm chí ông Tân đề xuất

xem lại hiệu quả của nhà máy thủy điện Hố Hô. “Nếu công trình đa mục tiêu thì người dân được hưởng lợi, còn nhà máy này trước mắt chưa mang lại hiệu quả cho Nhân dân”, ông Tân nêu ý kiến.

Cần một cái nhìn dài hạn về thủy điện

Những quả bom nước, khi hạn hán cần xả nước thì lại tích nước, lúc mưa lũ cần giữ nước lại đua nhau xả khiến lũ chồng lũ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản… những dự án thủy điện đã và đang và đang nhận được những đánh giá, cái nhìn thiếu thiện cảm. Thực tế từ năm 2011 đến nay, những sự cố liên quan đến thủy điện cũng xảy ra khá thường xuyên. Năm 2011, vỡ đường ống dẫn nước từ đập về tại Nhà máy điện Đambol (Lâm Đồng); Năm 2012 thủy điện song Tranh 2 (Quảng Nam) xuất hiện nhiều vết nứt gây rò rỉ nước ở than đập khiến không ít người lo ngại đến kịch bản xấu nhất; Gần đây nhất là sự cố thủy điện song Bung 2 (Quảng Nam), và hiện là thủy điện Hố Hô xả nước vì nguy cơ vỡ đập… Tuy nhiên, theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, không phải riêng Việt nam, trên thế giới đều đánh giá, thuỷ điện là năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo. Vì vậy, việc phát triển thuỷ điện cũng là việc cần thiết. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nhu cầu về nguồn điện rất lớn. Theo Quy hoạch Điện VII, đến năm 2020, tổng công suất nguồn đạt khoảng 75.000 MW, trong đó: Thủy điện chiếm 23,1%. Có một thực tế là đến năm 2017, cơ bản nguồn thủy điện lớn của Việt Nam đã khai thác hết, việc phát triển nhiệt điện than đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhiên liệu và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió và sinh khối có chi phí đầu tư cao. Trong khi giá điện của Việt Nam hiện chưa tạo được sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Đây thực sự là bài toán khó đối với ngành điện Việt Nam. Chính vì thế,, việc loại bỏ các dự án thủy điện ảnh hưởng tới môi trường, xã hội hay những dự án “trục lợi” là điều cần thiết nhưng cũng cần xem xét một cách đầy đủ, thấu đáo, khách quan, khoa học về những dự án thủy điện tiềm năng, ít ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường, xã hội mà mang lại hiệu quả thực sự để tránh nhận xét chung chung theo kiểu thủy điện là “tội đồ”.

Vấn đề chính ở đây không để thuỷ điện nhỏ và vừa phát triển một cách ồ ạt như thời gian qua. Đã từng có thời gian các dự án điện công suất dưới 30MW được giao cho các địa phương thực hiện. Điều này khiến quy hoạch điện bị phá vỡ, việc vận hành thiếu giám sát một cách đầy đủ, kịp thời.Thủy điện Hố Hô nằm trong số những dự án loại này. Thậm chí, trong cuộc kiểm tra ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, Hố Hô là nhà máy thủy điện rất nhỏ, chỉ 14MW, có hay không có thì hệ thống điện Việt Nam không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, từ những hạn chế trên nên không chỉ thủy điện Hố Hô mà rất nhiều thủy điện nhỏ khác hiệu quả kinh tế không cao, không có khả năng cắt lũ vẫn được xây dựng và vận hành do mang lại những lợi ích trước mắt cho chủ đầu tư, một phần ngân sách của một số địa phương. Nhưng hậu quả mà nó gây ra cho vùng hạ du luôn là vấn đề lớn. Thậm chí, Bộ Công Thương đã phải loại bỏ hàng trăm dự án thủy điện mặc dù khả thi về mặt kinh tế nhưng tác động không nhỏ đến môi trường, xã hội, trong đó có các dự án điện miền Trung do điều kiện thủy văn khu vực này sông ngòi có độ dốc lớn, lũ lên nhanh.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung (trong đó có việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh). Thủ tướng cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2016.