Từ “Hồ sơ Uber”: Luật lệ cho đạo đức công nghệ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ sơ Uber đã tiết lộ hơn 100 cuộc gặp của lãnh đạo công ty với các quan chức công quyền từ gần 30 quốc gia và các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU)

Sau vụ tố giác các hoạt động gây hại cho người dùng tại Facebook hồi năm ngoái, 124.000 tài liệu rò rỉ về hãng gọi xe Uber được tiết lộ hôm 10/7 vừa qua tiếp tục làm nóng câu chuyện về đạo đức công nghệ, đặt ra câu hỏi lớn: Liệu các “gã khổng lồ” kỹ thuật số của thế giới có đang quá “tự tung, tự tác” ngoài luật pháp?

Những tiết lộ chấn động trong Hồ sơ Uber

“Hồ sơ Uber” - bao gồm hàng nghìn email, tin nhắn văn bản và các tài liệu khác trong giai đoạn năm 2013 - 2017 do báo The Guardian của Anh công bố lần đầu tiên, và đã được chia sẻ với hàng chục phương tiện truyền thông khác trên thế giới - cung cấp một cái nhìn sâu sắc về sự chi phối ghê gớm của Uber, khi hãng gọi xe công nghệ tìm cách mở rộng bằng bất cứ giá nào.

Trang chủ tờ The Guardian (Anh) hiển thị những tiết lộ đầu tiên về "Hồ sơ Uber", hôm 10/7.
Trang chủ tờ The Guardian (Anh) hiển thị những tiết lộ đầu tiên về "Hồ sơ Uber", hôm 10/7.

Đồng thời, các tài liệu bị rò rỉ cũng cho thấy sự đồng lõa của một tầng lớp chính trị từ Mỹ, Âu đến Á - những người được cho đã và đang tiếp tay tạo nên chiến lược kinh doanh cực đoan điển hình tại Thung lũng Silicon. Dưới đây là tóm tắt 4 tiết lộ đáng chú ý từ Hồ sơ Uber của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ):

Thứ nhất, Uber được cho đã sở hữu “Kill Switch” (tạm dịch: Công tắc chết), có khả năng ngay lập tức ngắt quyền truy cập vào hệ thống máy chủ của công ty, nhằm ngăn các quan chức thực thi pháp luật thu thập bằng chứng khiến các dịch vụ của công ty bị đình chỉ, ngăn việc thu giữ phương tiện hoặc truy tố các tài xế của hãng.

Việc Uber sử dụng Kill Switch trước đây không phải là một bí mật, nhưng những rò rỉ mới nhất tiết lộ rằng nó đã được sử dụng rộng rãi hơn nhiều so với thông tin đồn đoán trước nay. Theo báo cáo, nó đã được triển khai trên 12 trường hợp ở Pháp, Hà Lan, Ấn Độ và một số các quốc gia khác. Trong một cuộc đột kích tại văn phòng của Uber ở Paris (Pháp), màn hình các máy tính được báo cáo đã trở nên trống trơn ngay sau khi các quan chức cảnh sát ập vào cơ sở này.

Thứ hai, các tài liệu bị rò rỉ cũng tiết lộ vai trò của hoạt động vận động hành lang và mối quan hệ với các chính trị gia thân thiện trong thành công của Uber. Ở nhiều khu vực, các chính phủ quản lý chặt chẽ giấy phép đối với xe taxi, khiến kế hoạch mở rộng của Uber trở thành kẻ đi ngược lại các quy tắc truyền thống của ngành. Để vượt qua trở ngại này, công ty đã thuê các nhà vận động hành lang quyền lực, với nhiều người trong số họ là cựu thành viên hoặc cộng sự của các chính phủ quốc gia.

Tổng cộng, Hồ sơ Uber đã tiết lộ hơn 100 cuộc gặp của lãnh đạo công ty với các quan chức công quyền từ gần 30 quốc gia và các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU), trong đó bao gồm các nhân vật nổi tiếng đương nhiệm như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz… thời còn ở các cương vị thấp hơn trong chính quyền.

Theo những tin nhắn bị rò rỉ giữa ông Macron - khi còn là Bộ trưởng Kinh tế Pháp - với nhà vận động hành lang của Uber Mark McGann, ông Macron đã khiến các thanh tra chính phủ ngừng tiến hành truy quét cáo buộc trốn thuế đối với Uber ở Paris, và thúc đẩy sửa đổi luật có lợi cho taxi công nghệ.
Thứ ba, giới lãnh đạo cấp cao của Uber được cho có xu hướng “vũ khí hóa” bạo lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Chẳng hạn, tại Pháp - nơi từng là tâm điểm của các cuộc biểu tình xoay quanh Uber - CEO Kalanick được cho đã đề xuất một màn “bất tuân dân sự” với sự tham gia của khoảng 15.000 tài xế Uber và 50.000 người đi xe. “Bạo lực đảm bảo thành công” - một tuyên bố gây sốc của Kalanick sau khi một số CEO khác của Uber tỏ ra dè dặt về kế hoạch cử tài xế tham gia biểu tình vào năm 2016.

Trong một trường hợp khác, khi một tài xế Uber bị tấn công ở Bỉ, một trong những người vận động hành lang của công ty đã lưu ý với đồng nghiệp của mình rằng “chúng ta cần tận dụng điều này để có lợi cho mình”. Các giám đốc điều hành Uber bị cáo buộc đã để xảy ra bạo lực đối với các tài xế taxi trong một thời gian, nhằm biến nó thành một vấn đề lớn và sau đó sử dụng nó để thúc ép các nhà lập pháp thông qua các điều luật có lợi.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, theo một phân tích về các tài liệu bị rò rỉ bởi The Washington Post, Uber hiểu rõ các chính sách của công ty là bất công đối với các tài xế, nhưng hãng vẫn tiếp tục con đường gây tranh cãi đó để bảo toàn lợi nhuận của riêng mình. Chẳng hạn, công ty được cho đã tiếp nhận nhiều tài xế hơn mức có thể quản lý, và khi làm như vậy, thu nhập hàng ngày của mỗi tài xế giảm đáng kể vì cạnh tranh trong chính hệ thống.

Ngoài ra, hệ thống vận hành của Uber được thiết kế theo cách mà người lái xe buộc phải nhận “cuốc xe” mới được tính phần trăm, bất chấp cung đường có thể gây nguy hiểm tính mạng. Nghĩa là các tài xế của Uber không được đảm bảo mức lương tối thiểu trong toàn bộ thời gian họ làm việc - từ khi đăng nhập đến khi đăng xuất khỏi hệ thống - như một lao động bình thường.

Với việc Uber và các hãng gọi xe công nghệ thực hiện các đợt cắt giảm phần trăm, cũng như sau khi trả phí xăng tăng và các rào cản xã hội bất ổn, các tài xế ở Nam Phi phản ánh hầu như không thể duy trì cuộc sống với số tiền tương đương 1,40 USD/ngày.

Luật pháp đang thay đổi

Trong nhiều năm, những CEO ở Thung lũng Silicon luôn cố “ru ngủ” truyền thông rằng công nghệ của họ đang biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn về lâu dài. CEO Mark Zuckerberg biện minh cho việc quản lý dữ liệu lỏng lẻo của Facebook trước cơ quan chức năng rằng công ty đang hoàn thành sứ mệnh toàn cầu là “kết nối mọi người”. Nhưng sau khi vụ bê bối năm 2021 nổ ra, hóa ra Facebook đã làm nhiều thứ để phân cực mọi người hơn là kết nối họ.

Hay như hứa hẹn ban đầu về công nghệ đi xe chung của Uber sẽ giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn đối với nhiều người dân thành phố, giảm thiểu xe cá nhân để tốt cho môi trường. Nhưng mục tiêu đó đang bắt đầu bị mai một trong bối cảnh giá các cuốc xe tăng chóng mặt, trong khi nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các dịch vụ đặt xe như Uber làm tăng lượng xe quyền sở hữu ở Mỹ - đặc biệt là ở 9 thành phố có nhiều phương tiện giao thông, nơi Uber đã thực hiện 70% hoạt động kinh doanh trong những năm đầu thành lập.

Nhìn chung, Big Tech có thể thoát khỏi việc phá vỡ các quy tắc trong nhiều năm vì ngay từ đầu đã có quá ít hạn chế đối với thị trường kỹ thuật số. Đó là lý do tại sao các luật sư của Uber và Facebook lập luận rằng họ là công ty công nghệ, không phải tuân theo luật quản lý các hãng taxi hoặc truyền thông. Nhưng điều này đang dần thay đổi. Các quan chức chống độc quyền của các nước đã cập nhật hướng dẫn của họ nhằm đối phó tốt hơn với sự phức tạp của thời đại kỹ thuật số.

Sau khi Nhật Bản, Ấn Độ… đã sớm cập nhật các điều khoản trực tuyến, các quan chức chống độc quyền tại Mỹ và EU cũng đang ngày càng cứng rắn hơn đối với các giao dịch công nghệ, điển hình như việc đảo ngược thương vụ mua lại Facebook sau khi thừa nhận rằng họ đã cho phép những “gã khổng lồ” như Meta Platforms Inc. và Alphabet Inc. “nuốt” quá nhiều đối thủ một cách không lành mạnh. Các nhà lập pháp Washington ở cả hai cánh cũng đang cố gắng chế ngự các chiến thuật tăng trưởng tiêu cực của Big Tech bằng các điều luật cứng rắn hơn - được thúc đẩy bởi những tiết lộ từ người tố giác Facebook Frances Haugen vào năm ngoái.

Với những cáo buộc trong Hồ sơ Uber lúc này, càng thêm chắc chắn rằng các doanh nhân công nghệ thích coi thường quy tắc, cũng là những người thường xin sự tha thứ sau mọi vụ vỡ lở thay vì sự cho phép từ ban đầu của luật pháp, cần nhận được những hình phạt thích đáng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần