Từ hôm nay, đóng đinh vào cây xanh đô thị có thể bị xử phạt đến 1 triệu đồng

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 139/2017 bắt đầu có hiệu lực từ 15/1/2018, đưa ra nhiều mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa.rn

 Một số trường hợp xâm hại cây xanh đô thị. Nguồn: Internet.
Từ hôm nay (15/1), Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó đưa ra nhiều mức phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa.
Điều 53 của Nghị định quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ;

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định; giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa.

Đồng thời phạt tiền 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định; trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế…;

Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định. Nghị định 139/2017/NĐ-CP thay thế các nghị định 121/2013 và 180/2007 của Chính phủ. Ngoài phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Như vậy, Điều 53 của Nghị định 139/2017/NĐ-CP có 1 số điểm mới so với những quy định tại điều 49 của Nghị định 121/2013. Cụ thể, đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ mức phạt đã được nâng lên 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng so với mức cũ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng.

Đặc biệt, với hành vi Lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định, người vi phạm có thể bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu so với quy định chỉ buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm như trước.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty luật ICC Việt Nam cho biết, quy định xử phạt các hành vi xâm hại cây xanh đô thị đã có từ lâu, nhưng số trường hợp bị xử phạt chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Bởi trên thực tế, việc bắt quả tang để có đủ chứng cứ xử lý rất khó.

Các trường hợp cố ý phá hoại cây xanh thường diễn ra ban đêm, hoặc lén lút lúc không có người. Hành vi phá hoại khá tinh vi, không làm cho cây chết ngay mà chết từ từ. Luật sư Tùng nêu trường hợp có người đổ nước sôi, đục rễ cây đổ dầu cho cây yếu dần mà chết.

Bên cạnh đó, những vi phạm như đóng đinh, lột vỏ, phóng uế... lại thường rơi vào những trường hợp vô ý, không nhận thức được đầy đủ hành vi của mình ảnh hưởng đến cây xanh đô thị như thế nào. Qua đó, luật sư Tùng khuyến cáo ngoài việc tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn cần nâng cao ý thức của người dân, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ cây xanh, môi trường.