Từ huyện “nâng cấp” thành quận: Không chỉ đơn giản là hạ tầng đô thị

Trọng Nghĩa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế phát triển, đô thị hóa nhanh, đó là những điều kiện quan trọng để một số huyện của TP đề nghị được “nâng cấp” lên thành quận đến năm 2020.

Tuy nhiên, khó khăn về hạ tầng, môi trường và làm sao giữ được nếp văn hóa là những thách thức lớn đòi hỏi các địa phương phải chủ động, quyết liệt ngay từ bây giờ để cụ thể hóa mục tiêu ấy.

Giải bài toán hạ tầng

Chỉ cách trung tâm TP có khoảng chục cây số, nên huyện Thanh Trì có điều kiện lớn phát triển kinh tế - xã hội. Yếu tố “địa lợi” ấy cũng đang được huyện khai thác hiệu quả để phấn đấu đến năm 2020 trở thành quận.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết, 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất của toàn huyện tăng 8,3%, tổng thu ngân sách đạt 91% so với dự toán, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2015. Tính đến hết năm 2015, cả 15/15 xã của huyện đã được TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đang tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Trục đường trung tâm huyện Hoài Đức. Ảnh: Phạm Hùng
Trục đường trung tâm huyện Hoài Đức. Ảnh: Phạm Hùng
Với mục tiêu đến năm 2020, Thanh Trì phát triển thành quận, huyện đã kiến nghị với TP có cơ chế đặc thù để lại cho huyện các nguồn tiền sử dụng đất và các nguồn thu từ đất để huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời quan tâm, bố trí vốn hỗ trợ cho huyện thực hiện một số dự án giao thông quan trọng, như đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ QL1A tới huyện Thanh Oai (đường liên xã Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh); bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường QL1A đoạn qua địa bàn huyện xong trong năm 2017...

Với vị trí thuận lợi “sát nách” khu vực nội thành, có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng trưởng tốt, huyện Gia Lâm và Hoài Đức cũng đang ráo riết triển khai hàng loạt công việc để hết nhiệm kỳ này có thể trở thành quận. Tuy nhiên, giống như Thanh Trì, khó khăn lớn nhất của 2 huyện này vẫn là vấn đề hạ tầng - điểm nghẽn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Để đến năm 2020, Hoài Đức đạt tiêu chí quận, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Đức kiến nghị TP chỉ đạo triển khai nhanh, đồng bộ tuyến đường Vành đai 3.5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến QL32; tuyến đê Tả Đáy chạy qua 9 xã dài 16,5km; tuyến liên khu vực 1 từ Đại lộ Thăng Long đến thị trấn Trạm Trôi. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường Đại lộ Thăng Long và QL32 để thu hút các nhà đầu tư.

Trong khi đó, huyện Gia Lâm cũng mong muốn đẩy nhanh dự án cải tạo, mở rộng nút giao Trâu Quỳ - QL5; tuyến đường từ cầu Giang Biên đến QL3 mới; tuyến đường thông từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua đường Vành đai 3 sang quận Long Biên… Hai huyện cũng kiến nghị TP có cơ chế đặc thù từ các nguồn thu đấu giá đất để tái đầu tư trên địa bàn.

Đồng tình cao với những kiến nghị này, các sở, ngành đều cho rằng, nếu để các huyện hưởng cơ chế đầu tư vốn thông thường thì không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ đề xuất với TP nghiên cứu, cho phép huyện được giữ 100% tiền đấu giá đất, trong đó chủ yếu dành để đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật thuộc nhiệm vụ chi của TP hoặc những dự án dân sinh bức xúc. Bên cạnh đó, TP sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các dự án giao thông trọng điểm trên các địa bàn.

Giữ nếp văn hóa từ bây giờ

Song song với việc phát triển hạ tầng, 2 vấn đề không chỉ các huyện mà lãnh đạo TP cũng rất quan tâm là phát triển kinh tế và giữ cho được bản sắc văn hóa. Tại buổi làm việc với huyện Hoài Đức mới đây, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ghi nhận huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, mục tiêu của huyện đến năm 2020 thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm còn thấp, cần phải nâng cao hơn. Muốn vậy, huyện phải thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư. Cái khó nhất là tư duy của người nông dân thì huyện Hoài Đức đã thay đổi được, người nông dân mạnh dạn, sáng tạo, việc cần làm bây giờ là chính quyền phải vào cuộc hỗ trợ người dân, thuyết phục các hộ xung quanh hoặc cho thuê đất, hoặc là liên kết làm ăn để tạo thành các vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đó cũng chính là câu chuyện, là thách thức của 2 huyện Gia Lâm và Thanh Trì, làm sao để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ngay từ bây giờ, phải tập trung ngay vào việc duy trì, xây dựng nếp sống văn hóa. “Chúng ta đừng cho là việc nhỏ, như việc vi phạm giao thông thông thường, hay mối quan hệ làng xóm, xưng hô thế nào, không làm tốt, sẽ mất hết. Hiện, khu vực nội thành đang phải xây dựng lại quy tắc ứng xử cho phù hợp. Việc này đòi hỏi bền bỉ, kiên trì rất nhiều” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. Rồi về xây dựng nông thôn mới, cần tính toán thực hiện sao cho phù hợp khi lên quận, nhất là thiết chế văn hóa và quy hoạch kiến trúc khu vực nông thôn. Bởi sẽ “thật buồn khi về quê mà không thấy lũy tre đâu, làng thì ô nhiễm. Lại phải dựng cả khung cảnh làng quê ở phố để giới thiệu cho du khách”.

Rõ ràng, so với các quận hiện nay, các huyện “thuận” hơn khi nhiều nơi vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, giữ được tình cảm hàng xóm láng giềng. Vì vậy, cần phải tập trung nuôi dưỡng, giữ gìn để làm sao trở thành đô thị rồi mà hồn cốt không bị nhạt phai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần