Ai bức tử suối Lương?
Suối Lương nằm ở phía nam hầm đèo Hải Vân, thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Thời gian qua, tại đây rộ lên tình trạng xây dựng các công trình trái phép để làm du lịch sinh thái. Cụ thể, nhiều hộ kinh doanh tự ý đắp đập, xây kè bằng bê tông kiên cố để ngăn dòng nhằm tạo hồ nước phục vụ du khách tắm.
Loạt công trình sai phép trên không chỉ phá vỡ cảnh quan mà còn tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân hạ lưu suối Lương.
Theo nhiều người dân sinh sống tại đây, khi thượng nguồn đắp đập chặn dòng thì chắc chắn đến mùa hạn dưới hạ nguồn dòng suối sẽ bị cạn khô. Khi đó, hạ nguồn sẽ không có nước tưới. Nguy hiểm hơn, các đập chặn dòng kiên cố này khi đến mùa mưa lũ sẽ gây ra sạt lở hai bên bờ suối.
Theo ghi nhận của Kinh tế &Đô thị vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua, phía hạ nguồn suối Lương đã dần cạn trơ đáy, nguy cơ hàng chục héc ta đất nông nghiệp của người dân không có nước tưới hiện hữu.
Sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, chính quyền quận Liên Chiểu đã chỉ đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc vào cuộc kiểm tra, xử lý. Theo đó, ngày 31/3, lực lượng chức năng phường Hòa Hiệp Bắc đã đồng loạt ra quân cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép "băm nát" suối Lương.
Vấn đề ở đây là tại sao việc xây dựng các công trình bê tông trái phép ở suối Lương diễn ra rầm rộ và kéo dài nhưng chính quyền địa phương không phát hiện xử lý, mà phải đến đến khi báo chí phản ánh? Và trách nhiệm của chính quyền ở đâu?
Trả lời câu hỏi trên tại buổi họp báo quý I/2023 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 14/4, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường thừa nhận do quản lý thiếu sâu sát nên dẫn đến tình trạng người dân lấn dòng, chặn dòng suối Lương làm du lịch sinh thái tự phát.
“Hiện lực lượng chức năng quận đã tháo dỡ các công trình vi phạm, trong thời gian đến sẽ tiếp tục tháo dỡ các công trình còn lại, trả lại hiện trạng ban đầu cho dòng suối Lương”, ông Nhường cho hay.
Phó Chủ tịch quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường cũng đề cập đến câu hỏi mà báo chí nêu thời gian qua: Ai bức tử dòng suối Lương? Theo ông Nhường, từ khi làm hầm đường bộ Hải Vân, nguồn nước suối đổ về đã không còn nên suối Lương chết.
“Báo chí nêu câu hỏi rằng ai bức tử suối Lương, tôi xin trả lời là từ khi làm Hầm đường bộ Hải Vân thì suối Lương chết từ đó. Riêng trong thời gian vừa qua, lượng nước đọng trong suối chủ yếu là nước mưa. Hết mưa nước còn tồn tại vài tháng là sẽ hết. Người dân lợi dụng việc này để chặn dòng làm du lịch tự phát”, ông Nhường nói.
Bài học từ suối Lương
Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã trả lời câu hỏi liên quan tình trạng bê tông hóa sông suối trên địa bàn để làm du lịch. Cụ thể, con suối trên thượng nguồn dòng sông Luông Đông (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) bị xây dựng đê kè kiên cố, lấn dòng…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, ngay sau khi có phản ánh, ngành chức năng huyện đã kiểm tra toàn diện.
Liên quan đến sai phạm của Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài do Công ty cổ phần DHC Suối Đôi (DHC) làm chủ đầu tư, ông Dũng cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục sai phạm.
Theo ông Dũng, Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài đã được phê duyệt làm khu du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình làm, chủ đầu tư đã xây kè thêm 7m chặn dòng suối khi chưa được phép.
“Căn cứ quy định, huyện Hòa Vang đã ra quyết định xử phạt 170 triệu đồng đối với DHC. UBND huyện cũng yêu cầu chủ đầu tư trong 60 ngày phải trả lại hiện trạng ban đầu của dòng suối. Chủ đầu tư đã nộp phạt và giờ đang khắc phục sai phạm”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, hiện TP Đà Nẵng đang triển khai các kè chống sạt lở dòng sông, suối. Vì vậy, nếu chủ đầu tư kè suối không ảnh hưởng dòng chảy, không sạt lở thì góp phần tốt hơn. Hiện UBND huyện Hòa Vang đang tiếp tục đánh giá để có hướng xử lý triệt để vấn đề này. Vì đây cũng là bài học từ suối Lương.