Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ “Kỳ tích sông Hàn” đến “Kỳ tích sông Hồng”

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng tôi đã xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Sáng nay 14/12, nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực GD&ĐT và nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, Bộ Giáo dục Hàn Quốc và Thời báo Kinh tế Hàn Quốc và Bộ GD&ĐT Việt Nam tổ chức diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017.
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đứng trước nhiều thách thức mới.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ làm thay đổi bản chất của một số loại hình công việc cũng như giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hoá. Và, một phần lao động của con người được thay thế bằng máy móc, trí tuệ nhân tạo. Để đáp ứng yêu cầu này, các quốc gia cần phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng nhận thức cơ bản.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Việt Nam cũng đang tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng vai trò và đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Đồng thời, đang nỗ lực chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực tỏng giai đoạn hiện nay và những năm tới.

Với chủ đề của Diễn đàn là từ “Kỳ tích sông Hàn” đến “Kỳ tích sông Hồng”, Bộ trưởng Nhạ cho biết: “Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hàn Quốc – đất nước vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, chúng tôi cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng”.

Và, thông qua GD&ĐT, Việt Nam đang từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng của nhân lực tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở khu vực. Một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực, trong đó tâp trung ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế. Và, đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao trong các ngành trọng điểm đạt trình độ của các nước tiên tiến.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Kim Sang-kon cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Phó Thủ tướng Kim Sang-kon thông tin Hàn Quốc từ một nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh trong những năm 1950 nhưng nhờ chú trọng đào tạo và có chiến lược phát triển nguồn nhân lực xuất sắc, đã trở thành một trong 4 con rồng châu Á vào đầu những năm 1990. Và, nay là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, tạo nên “Kỳ tích sông Hàn”.

Phó Thủ tướng Hàn Quốc tin rằng Việt Nam có những điểm tương đồng với Hàn Quốc, khi thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là một trong những yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế.

Ông cũng tin, trong hai ngày diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia và đại biểu Việt Nam sẽ nhận được những chia sẻ có giá trị từ phía Hàn Quốc. Các bên sẽ cùng nhau xác định rõ những cơ hội và thách thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, đề ra những giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ mới. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam cũng như quy mô quốc tế. Cũng như, sớm đưa Việt Nam thực sự đến với “Kỳ tích sông Hồng”.

“Kỳ tích sông Hàn” – “Miracle on Han River” là kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên các thành tựu khoa học công nghệ, giáo dục và đô thị hoá đã đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.