Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Từ làng ra phố] Chuyện về những cặp đứng tuổi ở quê!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với thanh niên ngoại thành (nếu không học hành) chạm tuổi 20 tuổi đa số đã thành gia thất. Ngoài 40 tuổi, nhiều người đã lên chức ông nội, ông ngoại, lứa tuổi này vẫn được dân gian gọi vui là… dở ông, dở thằng!

Và thói đời vốn “lần trôn quang”, bố đã lấy vợ sớm, vì vậy họ cũng “thúc” con cái sớm kết hôn. Giống như loài ong, các gia đình thường “sẻ đàn” bằng cách cho con trai, con dâu ăn riêng. Lúc này, các ông bố, bà mẹ ngoài 40 trở thành những cặp sồn sồn ở cái tuổi trẻ đã qua, già chửa tới. Nhiều chuyện bi hài phát sinh từ đây…

Một khi bố mẹ, con cái - ai có phận nấy, người ta thường chỉ liên hệ với nhau bằng mối dây tình cảm; kinh tế là chuyện riêng rẽ “nước sông không phạm nước giếng”. Đây chính là lúc những ông trẻ, bà trẻ có điều kiện “thể hiện cái tôi”, sau nhiều năm vất vả nuôi con khôn lớn, dựng vợ, gả chồng… Những người khiêm nhường thì chồng mua thêm chiếc xe tay ga, sắm thêm vài bộ cánh, chiếc dây chuyền, chiếc lắc tay… để cho nó bằng chị bằng em.

Nhưng cũng không thiếu cặp lại thích “cưa sừng làm nghé”; học theo lớp trẻ, đua đòi từ cách ăn vận, nói năng… không hợp với tuổi tác. Dù điều kiện sống vùng nông thôn đã thay đổi, công việc của người nông dân đa phần vẫn gắn với cây lúa, con lợn con gà. Quanh năm chân lấm tay bùn, không ít người dẫu “ly nông” cũng chỉ loanh quanh với những nghề thổ mộc, không mấy khi ra khỏi lũy tre.

Vợ chồng ông Vũ - bà Vân (nhân vật đã được đổi tên) là điển hình cho lớp người nêu trên. Dù mới ngoài tứ tuần đôi chút, nhưng ông bà Vũ đã có đủ dâu rể, cháu nội, ngoại. Nói theo cách của ông Vũ, giờ đây gia đình chỉ… trật lại “hai thằng già”, bởi con gái theo chồng, con trai lấy vợ đã ăn riêng. Ở cái tuổi hồi xuân, 2 vợ chồng nhà này được hàng xóm ví như đôi chim câu vậy… Ấy thế mà lắm khi “đôi chim câu” ấy lại làm điếc tai hàng xóm. Mọi sự cũng chỉ tại cách học đòi quá lố của Vân.

Tuy đã lên chức bà, nhưng ở tuổi hồi xuân, trông Vân trẻ hơn rất nhiều so với tuổi ngót 40; khi ra đường cùng với con gái đầu là cái Xuân, người ta cứ tưởng 2 người là chị em ruột. Mát giời, vận quần soóc ngắn đến bẹn, áo hai dây, trông Vân vẫn nhuận sắc lắm… Do con cái đã ăn riêng, lại không phải lo toan mấy đến cơm áo, gạo tiền, nên Vân sinh ra thói đôi lê. Trong làng, ngoài xóm, không cuộc vui nào Vân thiếu mặt. Với tửu lượng vào hàng khá, Vân được coi là “tiền đạo” trong các cuộc ăn nhậu, hát hò… Nếu chỉ dừng lại ở mức độ văn nghệ, “xuân thu nhị kỳ”, chắc Vũ cũng chẳng có ý kiến gì, bởi ông cũng là người cởi mở. Tuy nhiên, Vân có dấu hiệu sa đà và đã xuất hiện những tin nhắn, những cuộc chát chít trên mạng xã hội hằng đêm… Ghen hình như là bản tính của loài người, ông Vũ cũng không khác. Ban đầu thì to nhỏ, dần dà đá thúng, đụng nia, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đến mức làm phiền hàng xóm…

Cũng “may” mà Covid đến sớm - thành phố thực hiện cách ly xã hội “ai ở nhà nấy”; hạnh phúc gia đình Vân - Vũ đã có dấu yên vui trở lại! Mấy tuần nay, hàng xóm thấy vợ chồng họ tình tứ lắm, lúc nào cũng một anh, hai em. Ngày đôi bữa, bà xới - ông xơi, hôm nào Vũ cũng khề khà thêm chén rượu, tối đến tắt đèn xem tivi… có lẽ hạnh phúc nhà họ đã được vãn hồi.