[Từ làng ra phố] Đâu chỉ là ngô nướng sém!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong ngũ cốc (lúa, ngô, đậu đỗ, kê), một thời ngô là thức ăn quan trọng của người dân. Dần dà cuộc sống thay đổi, giờ đây nhiều nơi - ngô chỉ còn dùng làm thức ăn gia súc.

Nhưng ở một số tỉnh phía Bắc, ngô vẫn là lương thực chính của nhiều tộc người. Nguyên nhân đâu phải vì thiếu gạo, mà ngô là thứ gắn với phong tục, tập quán, đi vào cuộc sống của đồng bào vùng cao. Với người Mông, mèn mén vẫn là món không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Và rượt ngô vẫn là thứ đặc sản của Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... khiến cho các "bợm nhậu" rõ dãi mỗi khi nhắc đến.
Trước đây, ngô chỉ có hai vụ chiêm - mùa, nhưng trong thời buổi nền nông nghiệp phát triển như hiện nay, gần như tháng nào trong năm người ta cũng trồng được ngô. Dạo quanh một số tuyến như Quốc lộ 32 (Hà Nội - Sơn Tây), Quốc lộ 3 (Hà Nội - Vĩnh Phúc), Quốc lộ 21B
(Hà Nội - Hà Nam), Đại lộ Thăng Long... chẳng nói đến mùa Đông, ngay trong nhưng ngày hè nóng như đổ lửa, dưới bóng mát của những hàng cây ven đường, nơi nào mà chẳng có đôi vài quán ngô. Dừng chân dưới tán lá, gọi cốc nước ngô đá mát lạnh, nhâm nhi bắp ngô luộc, cũng mát cái dạ dày, mà cái giá của nó cũng chỉ dăm ba ngàn đồng bạc...
Nhưng cái thú thưởng thức ngô nướng - chỉ mùa Đông là nhất! Trong cái lạnh (nhiều khi tê buốt), sà vào quán cóc vỉa hè, gọi một vài "chiếc" ngô nướng, xòe đôi bàn tay tê cóng bên bếp than hồng thì còn gì thú bằng; mà phải nói là... ngon bổ rẻ, ấm cả tấm lòng, lẫn đôi bàn tay! Với giới trẻ ngày nay, các loại đồ nướng Tây - Tàu, phố nào mà chả có; nhưng ngồi trong nhà hàng với cửa kính, ghế đệm, đâu thể thi vị bằng trai - gái tay đan tay, sát lại gần nhau trong cái lạnh, còn gì thi vị hơn?
"Hà Nội mùa Đông, quán đê thơm nồng, mùi ngô nướng sém", dẫu chỉ là thức quà quê, đồ ăn vặt thôi, nhưng đã đem lại cho chúng ta dư vị ngọt ngào của mùa Đông Hà Nội. Nói không ngoa, Trần Tiến đã quá tinh tế khi lồng cái "thức" dân dã vào trong câu hát; nó đem lại cho người ta sự hoài niệm về những thứ đã qua. Không gian, thời gian, người xưa, cảnh cũ: "Hà Nội là em, vụng dại thầm kín; một thời thiếu nữ u hoài/ Hà Nội mẹ tôi, vấn khăn nâu sồng, một thời đã cũ/ Thương con, mắt đỏ thờ chồng.../ Ai ơi, sống gửi, thác về".
Không phải là quê hương, chỉ mấy năm ngồi trên ghế giảng đường ở
Hà Nội, sau đó vì mưu sinh, anh bạn tôi đã vào Nam sinh sống. Thế nhưng đã thành lệ, mỗi năm Thu qua, kiểu gì y cũng phải tranh thủ bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để được hưởng cái không khí lạnh giá - thứ mà mùa Đông phương Nam không thể có. Và đương nhiên, ngoài việc "thưởng Đông", bù khú với đám bạn cũ, không thể thiếu việc vác xe máy dạo quanh mấy quận nội thành, vượt lên mạn Hồ Tây, sà vào bất kỳ quán cóc ven đường nào đó, gọi vài bắp ngô nướng, để hồi tưởng lại những gì của quá khứ. Trong câu chuyện với bằng hữu, chưa lần nào hắn bỏ qua những tình cảm với "những người em gái". Những mối tình đã qua của một tay "sát gái" bậc nhất đám giai Văn khoa, trong những mối nhân duyên quá vãng kia, không ít cuộc yêu bắt đầu từ ngô nướng!
Đông đã tới, trên dặm dài phố xá Thủ đô, hàng ngô nướng đã tấp nập, nhưng năm nay bạn tôi vẫn chưa... vội vã trở về!