Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Từ làng ra phố] Khói lam chiều...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nơi thị thành đến chốn quê, từ ngàn đời, cứ thoảng khói đã khiến người ta nhớ đến nếp nhà. Dẫu đói no, nhưng hơi khói hình như khiến người ta nhớ về nơi muốn đến - chốn mong về? Và chính cái “khói” từ lâu đã là tác nhân níu kéo bao thế hệ gắn bó với làng quê, gia đình qua ngày đôi bữa…

Chịu các “bố” nhà văn, nhà thơ xưa thật tài. Chỉ vài “sợi” khói thôi, nhưng qua lăng kính của “các bố”, nó đã nên thơ, nên nhạc “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Tràng Giang – Huy Cận), “Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây” (Chiều - Dương Thiệu Tước). Nhưng lạ chưa, nay, chỉ nhìn thấy vài đọn khói, người ta đã bóng gió sợ những cháy nổ, cùng ô nhiễm. Thành thử, khói trở thành nỗi ám ảnh với không ít người nơi đô hội?

Nguyễn Khắc Hiếu từng than: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thì có, cửa nhà thì không”. Phải chăng trong bước đường lưu lạc của mình, thi nhân từng một lần nhớ về làn khói xứ Đoài một chiều Đông nào đó?! Dù như cách nói của tiên sinh: “Còn sông, còn núi, còn là ăn chơi/ Dở hay muôn sự ở đời/ Mây bay nước chẩy mặc người thế gian”!

Với cá nhân, mỗi lần nhìn làn khói chiều, tôi vẫn đau đáu với vùng chiêm khê mùa thối của mình, bởi nơi đó là quê hương. Xê dịch chửa được mấy nả, cũng từng lên rừng, xuống biển, ra Bắc - vào Nam, không hiểu sao mỗi khi chạy xe qua mạn Ý Yên, Vụ Bản (Nam Định), hoặc rẻo miền Trung (Thanh - Nghệ đổ vào), hay lang thang những Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái… mỗi khi chiều buông, nhìn những khói lam tỏa ra từ những nếp quê, đều để lại trong tôi những nỗi niềm khó tả. Chỉ khói thôi, nhưng nơi đó có mẹ cha, có anh em, đó là nơi nhiều thế hệ chúng ta ẩn náu.

Cuộc sống là một dòng chảy mà không “con đập” nào ngăn nổi. Thời nay, khắp tỉnh cùng quên, chẳng mấy nhà dùng bếp than củi. Thay vào đó là nồi điện, bếp ga, bếp từ, tủ lạnh, lò vi sóng. Bữa cơm gia đình cũng bị nếp sống công nghiệp chi phối rất nhiều, ai về trước ăn trước, ai về sau dùng sau… Hết bữa, mỗi người sẽ có thú vui riêng bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng, sở thích sẽ “nước sông không phạm nước giếng”. Đến chăn gối cũng liệu mấy kẻ cùng?!

Bỏ qua thái độ “sợ” khói của những kẻ… nhát gan, với chúng tôi, những người lăn lóc nửa đời từ quê ra phố - khói (và đặc biệt là khói lam chiều), đã in sâu vào tiềm thức. Vào những chiều Đông, khi còn giong trâu trên đồng, ngoài bãi (lúc cái dạ dày sôi réo sùng sục), trong đám mục đồng, hỏi mấy ai chả mong sớm về nhà.

Có câu chuyện về người phố nghe như tiếu lâm, nhưng hoàn toàn là sự thật từ cô bạn tôi. Chuyện là thế này, cả hai vợ chồng đều là người Hà Nội gốc, hai bên gia đình thì kiểu “khung cửa sổ hai nhà cuối phố”, vì vậy… chẳng có quê để về. Tuổi đời cũng… nghiêng tay, con cái yên bề, vợ chồng nhà ấy sinh ra buồn.

Ngày thường thì không sao, nhưng lễ tết, Xuân Thu nhị kỳ khi con cháu chơi xa, trong nhà chỉ còn đôi già. Lâu dần đâm chán. Mỗi đận như vậy, vợ chồng người bạn lại gợi ý về ngoại thành nơi tôi cư ngụ. Dẫu tiện ích không như ngoài phố, nhưng trong khoảng khắc sống nơi làng quê, có tiếng chó sủa, lợn kêu - anh chị chàng đâm thú! Đặc biệt, đến bữa được “thưởng thức” mê cơm cháy nồi gang nơi thôn quê, khiến hai người ra chiều đắc chí… Hóa ra khói lam chiều, tiếng cơm sôi cũng có sức hút với những “giang hồ vặt” chăng?!!!