[Từ làng ra phố] Nhớ cơm bụi!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngon như anh phở, nhiều lắm thì cũng tuần đôi lần, vì người ta khó lòng ngày nào cũng xơi thứ đã được coi là đặc sản của Hà Nội. Vậy nên dẫu có “chán”, hàng ngày người ta vẫn phải đến với cơm.

Nói như nhạc sĩ Trần Tiến (trong ca khúc Ngẫu hứng phố): “Hà Nội cái gì cũng rẻ”, cơm bụi cũng là một trong số “rẻ” đó. Rẻ và sẵn. Trong hàng trăm nghìn con phố của Thủ đô, gần như ngõ ngách nào cũng sẵn vài ba quán cơm bụi.

Và cũng đừng tưởng cơm bụi là hạng vừa đâu nhé, nó cũng đã được đưa vào thơ ca chứ chẳng chơi. Bằng chứng là nhà thơ Nguyễn Duy có hẳn một “Cơm bụi ca” đó thôi: “Xa nhau cực nhớ, cực thèm/ Ai về Hà Nội gửi em đôi nhời/ Cô đầu thời các cụ chơi/ Ta đây cơm bụi, bia hơi tà tà…”. Chỉ cần đôi chục, người ta có thể sà vào bất cứ quán nào, kiếm cho mình lưng cơm, chút canh, vài miếng thịt, đậu kho đậm - thế cũng đủ ấm lòng. Sang một chút nữa, gọi thêm vài cốc “bia cỏ”, anh em bạn bè đã có chỗ hàn huyên, tâm sự…

Nếu ai sống và làm việc trên phố Lý Thường Kiệt, hẳn sẽ biết đến quán Thu: Dù chỉ là cơm bụi bình dân thôi, nhưng vào giờ trưa, kiếm được chỗ ngồi, e hơi khó. Cũng chỉ rau dưa, cá kho, canh cua, đậu sốt, nhưng phải thừa nhận là ngon, bổ rẻ. Vì điều này mà khiến từ bác tài xế đến, đến anh công chức văn phòng, đến bữa đều xì xụp như nhau, không phân biệt sang - hèn. Đôi lúc có cả những đại gia, khi đã chán những sơn hào, hải vị, cũng đến với quán cơm bụi để được thưởng thức những thứ “đặc sản” mà những nhà hàng sang trọng không thể có! Rồi những quán trên mạn phố cổ, là “cơm bụi” đấy, nhưng đẳng cấp không hề kém cạnh những nhà hàng cơm tám, cơm niêu với điều hòa, phòng lạnh, dẫu chỉ kê tạm vài cái ghế nhựa nơi vỉa hè, góc phố…

Hằng hà quán cơm bụi mọc khắp Hà Nội, là nơi giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn con người mỗi ngày; từ chị rửa bát, nhặt rau, anh bảo vệ trông xe, người cung ứng thực phẩm. Quán cơm bụi cũng góp phần quan trọng trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm, từ lương thực, rau quả, cá mắm, thịt gia súc, gia cầm cho hàng vạn nông dân… Thực hiện giãn cách xã hội, hàng quán phải dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh; từ cà phê, trà sữa, phở, bún… nhất loạt cửa đóng, then cài, quán cơm bụi cũng phải chịu chung hoàn cảnh.

Đến nay, dẫu TP đã nới lỏng giãn cách, người dân được đi lại thoải mái hơn, một số dịch vụ được mở cửa hoạt động; nhưng với phương thức “chỉ bán đem về”, cũng là cái khó cho cơm bụi. Bởi người ta mà đem hộp cơm ra vạ vật nơi hè phố, công trường… cũng không “thi vị” bằng được ngồi trong quán, có bàn ghế, bát đĩa !!!

Hà Nội đã vào tiết Thu, gió se lạnh, lá vàng bắt đầu lắc rắc… Quả là tiết trời cả năm chỉ có mấy ngày. Giá như vào bữa mà được lê la nơi vỉa hè, lai rai cốc bia hơi, làm lưng cơm bụi, đúng là cái thú tiêu khiển giá rẻ mà nhiều người ước ao. Khi ngồi viết ra những dòng này, nhìn sang hộp “cơm công nghiệp” đã lạnh tanh, bụng dẫu đói, nhưng cái miệng lại chả thấy thèm… Giá như... Đã sắp 3 tháng, người ta phải “cách ly” với bia hơi cơm bụi, “Xa nhau cực nhớ cực thèm”. Biết đến khi nào tầng lớp bình dân lại được “Rủ nhau cơm bụi giá bèo”, câu trả lời vẫn đang ở phía trước. Quả thật, dẫu giản dị đến mấy, nhưng mơ ước đều chỉ là ước mơ!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần