Tư liệu quý cho giới trẻ về tấm gương ham đọc, tự học thời đại Hồ Chí Minh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/4, buổi tọa đàm “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” – một tác phẩm viết về Bác Hồ và những nhân vật lỗi lạc thời đại Hồ Chí Minh gắn bó với việc đọc và tự học suốt đời đã được tổ chức tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Tác giả của cuốn sách là Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cuốn sách gồm 204 trang do Nhà sách Tân Việt và NXB Thông tin và Truyền thông liên kết xuất bản. Sách được tác giả Thúy Ngà nghiên cứu, tìm hiểu trong suốt hơn 10 năm.
Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà và các khách mời đang chia sẻ với độc giả về phương pháp đọc sách của những người nổi tiếng thời đại Hồ Chí Minh.
Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà và các khách mời đang chia sẻ với độc giả về phương pháp đọc sách của những người nổi tiếng thời đại Hồ Chí Minh.
Sách được chia thành hai phần. Phần một viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần này bao gồm các nội dung như: sách báo-Người bạn đường tri kỷ của Hồ Chủ tịch, quan điểm của Hồ Chủ tịch về vai trò, tác dụng của sách báo, phương pháp đọc sách báo của Hồ Chủ tịch; Các nguồn tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng; Hồ Chủ tịch với việc sử dụng sức mạnh của báo chí, công tác tuyên truyền, giới thiệu sách báo; việc hình thành nơi đọc sách cho Nhân dân; Quan điểm của Hồ Chủ tịch về tự học; Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ với việc học viết báo, việc học ngoại ngữ…

Trong phần hai, tác giả viết về 6 nhân vật gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đọc sách và tự học, Tạ Quang Bửu-Một thiên huyền thoại về tự học và ham đọc sách; Tấm gương hiếu học, yêu đọc sách của ông vua vũ khí – Giáo sư Trần Đại Nghĩa; Cánh chim tinh vệ trước bể học không cùng – Giáo sư Đào Duy Anh; Đường vào khoa học và đường dẫn đến thành công của giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng; Con đường dẫn đến thành công của nhà toán học Hoàng Tụy. Đây đều là những nhân vật đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh với những công trình khoa học có giá trị lớn, đóng góp quan trọng cho đất nước. Tác giả đã dày công tìm và hệ thống hóa các tư liệu, giới thiệu phương pháp đọc và tự học của những con người lỗi lạc này nhằm giúp độc giả có cái nhìn tổng quan và áp dụng phù hợp với công việc. 

Tác giả Thúy Ngà đã sử dụng các chi tiết để kể những câu chuyện chân thật và cảm động về lòng say mê đọc sách và tự học của những bậc tinh hoa, khẳng định sự thành công, uyên bác lỗi lạc của họ gắn bó với việc đọc sách và tự học. Chẳng hạn như nhà giáo Tạ Quang Bửu luôn chú trọng đến việc đọc sách của cả thày và trò, ông không chỉ đưa ra những tài liệu cần đọc để dạy tốt hơn mà còn khuyến khích học sinh tìm đến các sách văn học để nâng cao lòng ham thích sáng tạo. Bác sĩ Tôn Thất Tùng, nhà toán học Hoàng Tụy chú trọng đọc toàn diện, yêu cầu các bác sĩ không chỉ đọc tài liệu ngành y mà còn phải đọc tài liệu văn hóa lịch sử, đặc biệt là sách văn học để phát huy trí tưởng tượng, nuôi dưỡng sáng tạo, bồi dưỡng tâm hồn…. 

Trong suốt 3 giờ diễn ra buổi tọa đàm, “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” được giới chuyên môn đánh giá là một cuốn sách không chỉ có giá trị lịch sử, tư liệu quý mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các thế hệ học sinh sinh viên trau dồi phát triển phương pháp đọc và tự học. 
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ - Vợ của Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng rất xúc động khi kể về bác sĩ Tôn Thất Tùng, người đã thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, yêu thích vào thư viện để đọc sách chuyên môn y học nhưng cũng rất lãng mạn khi yêu văn thơ. Bà cũng mong rằng lớp trẻ ngày nay sẽ đọc nhiều hơn nữa để có kiến thức đầy đặn hơn.
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ - Vợ của Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng rất xúc động khi kể về bác sĩ Tôn Thất Tùng, người đã thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, yêu thích vào thư viện để đọc sách chuyên môn y học nhưng cũng rất lãng mạn khi yêu văn thơ. Bà cũng mong rằng lớp trẻ ngày nay sẽ đọc nhiều hơn nữa để có kiến thức đầy đặn hơn.
Nói về ý nghĩa của việc đọc sách trong thời đại bùng nổ Internet, ông Mai Liêm Trực – Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết: “Thời nay thế hệ trẻ có nhiều cơ hội trong thời đại internet. Internet đúng là đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Internet là công trình vĩ đại của nhân loại vì tác động đến đời sống hàng ngày rất mạnh. Tôi được biết, các Tổng giám đốc của Tập đoàn FPT,Viettel vẫn giữ thói quen mỗi tuần một cuốn sách. Tuy nhiên, vấn đề đọc sách hiện nay là giới trẻ nên đọc cái gì. Đọc sách và đọc báo khác nhau, đọc báo, tạp chí là thêm kiến thức còn đọc sách ngoài thông tin được thu nhận còn rèn luyện tư duy, hình dung, sức tưởng tượng. Theo thống kê, năm 2015, một người dân chưa được tròn 3 cuốn sách, còn đọc được hơn 7 tờ báo, người dân, giới trẻ đọc báo mạng nhiều hơn báo giấy, hàng ngày hàng chục triệu người tiếp cận đọc báo mạng, nhưng đọc sách lại chưa được nhiều. Đọc sách hình thành nhân cách trí tuệ sức tưởng tượng, là cơ sở cho sự sáng tạo. Nhưng do có internet nên văn hóa đọc có phần xao lãng, ngay cả đọc sách trên internet cũng chưa nhiều.” Cũng theo ông Trực: “Cuốn sách này sẽ không lạc lõng trong thời đại smartphone vì đây như một tư liệu vô cùng quý giá. Cuốn sách rất thú vị và tôi tin rằng nó sẽ tạo nhiều cảm hứng cho những người yêu thích đọc sách.”

Trong khi đó, ông Trịnh Nguyên Huân - Nguyên Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: "Cách tự học của Đại tướng vô cùng đặc biệt và Đại tướng học suốt đời. Đại tướng nói với chúng tôi rằng, tư duy của chúng ta có rộng mở hay không là nhờ đọc sách, sách mở ra cho chúng ta chân trời mới để chúng ta tư duy, tiếp nhận kiến thức và hành động thế nào là từ nhận thức kiến thức. Gắn bó với Đại tướng từ năm 1977, chúng tôi được Đại tướng dạy cho phương pháp tự học, tự làm và đối với Đại tướng, học qua sách là số 1, tiếp theo là học nhóm để tranh luận theo chính kiến của mình nên Đại tướng yêu cầu mọi người đều phải trung thực, có chính kiến".
 

Chia sẻ về lý do lựa chọn những nhân vật nổi tiếng để viết, tác giả Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: “Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc những tấm gương sáng để cùng soi chung. Soi để học, học để hành, mỗi người sẽ học được cách nuôi dưỡng và phát triển năng lực tự học qua sách báo, tư liệu, khả năng tư duy sáng tạo, làm cho cuộc sống của mình, của cộng đồng và của dân tộc trở nên tốt đẹp hơn.” 

Tác giả Thúy Ngà cũng chia sẻ thêm: “Công nghệ thông tin cũng là một cách để bạn đọc tiếp cận thông tin. Nếu như cuốn sách này dưới dạng điện tử thì sẽ dễ dàng có nhiều độc giả trẻ tuổi tiếp cận hơn. Bởi các bạn trẻ bây giờ không chỉ tiếp cận với truyện, tiểu thuyết, báo chí qua Internet mà còn là những cuốn sách tư liệu lịch sử. Tôi cũng muốn sau cuốn sách này, tôi sẽ ấp ủ viết cuốn sách về các tấm gương tự học xưa và nay.”

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần