“Từ mẫu” - Nghề nguy hiểm!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vụ việc bác sĩ (BS) Phạm Đức Giàu ở Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Vũ Thư - Thái Bình bị người nhà bệnh nhân sát hại mới đây đã gây hoang mang, lo lắng trong đội ngũ thầy thuốc.

Không chỉ đối mặt với vi trùng, bệnh tật, xác chết..., cuộc sống hằng ngày của người thầy thuốc còn đầy rẫy lo lắng vì áp lực công việc, thậm chí bị hành hung và tính mạng thường xuyên bị đe dọa.

Vụ việc bác sĩ (BS) Phạm Đức Giàu ở Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Vũ Thư - Thái Bình bị người nhà bệnh nhân sát hại mới đây đã gây hoang mang, lo lắng trong đội ngũ thầy thuốc. Nghề thầy thuốc thực sự là một nghề nguy hiểm. Khi bệnh nhân bệnh nặng hơn hoặc không may tử vong, các BS thường trở thành nạn nhân của những cơn giận dữ và có thể bị hành hung bất cứ lúc nào.

Đối mặt côn đồ như cơm bữa

Giữa tháng 11-2010, 2 băng nhóm giang hồ khét tiếng ở Hà Nội truy sát nhau tại BV Saint Paul sau khi một số tên bị trọng thương và phải đưa đi cấp cứu. Các BS tại BV này vẫn còn nhớ như in buổi tối kinh hoàng ấy khi hàng trăm tên đầu gấu mang theo dao, mã tấu, súng đổ vào BV để thanh toán nhau. Những vụ thanh toán truy sát kinh hoàng như vậy thực ra không hiếm gặp và trong nhiều vụ, người thầy thuốc lãnh hậu quả không hề nhỏ.

Khoa Cấp cứu BV Việt Đức – Hà Nội có lẽ là nơi thường xuyên phải tiếp nhận nhiều “bệnh nhân đặc biệt” nhất. Những “đại ca” giang hồ gặp nạn sau những vụ đâm chém, thanh trừng thường tìm đến đây. Điều dưỡng viên Nguyễn Xuân Vinh kể: “Nhiều vụ thanh toán ngoài xã hội gây ra thương tích nghiêm trọng nhưng trong cơn cuồng loạn, nhiều tay còn trút giận lên cả BS. Làm việc tại Khoa Cấp cứu BV Việt Đức mà chưa bị sứt đầu, mẻ trán là may lắm rồi!”.

Vừa phân loại hồ sơ bệnh án và xem xét tình trạng bệnh nhân, một BS vừa nói với chúng tôi: “Cách đây 2 ngày, một nhóm thanh niên xăm trổ đầy mình đưa vào Khoa Cấp cứu một người bị đầy vết chém và đã cụt mất mấy ngón tay. Sau đó, một nhóm khác xông thẳng vào khu cấp cứu để đòi tính sổ với nạn nhân. Khi ấy chúng tôi bị chửi mắng, đe dọa thậm tệ.

Một “đại ca” còn tuyên bố: “Nếu không giao người mà để chúng tao thấy thì đừng trách bọn này ác”! Rất may, vụ việc hôm ấy đã được Cảnh sát 113 dẹp yên. Một BS đề nghị giấu tên nhớ lại: “Có lần, các băng nhóm giang hồ kéo đến rất đông, bảo vệ sợ quá trốn mất nhưng chúng tôi vẫn phải trực tiếp vừa cấp cứu vừa dàn xếp mọi chuyện”.

Nhiều “đại ca” vừa vào viện đã khoe chiến tích 3-4 tiền án, tiền sự và dọa BS: “Mày khâu cho đệ tử tao đẹp nhé, tiêm thuốc giảm đau cho nó nhanh lên, không tao đập chết!”.

Có nhiều đêm, BV Việt Đức bị biến thành nhà thương của giới giang hồ khi hàng trăm người tay gươm, tay súng kéo đến đòi BS… giải quyết hậu quả sau vụ thanh toán. Không tháng nào BV này không phải thay cửa kính vỡ vì dân giang hồ vừa đòi cấp cứu cho đồng bọn vừa thị uy bằng cách đập phá. Buổi giao ban sáng của Ban Giám đốc BV Việt Đức luôn mở đầu với câu hỏi: “Tình hình an ninh đêm qua có gì đặc biệt?”.

Nhắc lại câu chuyện ở Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai – Hà Nội cách đây vài tháng, những thầy thuốc có mặt trong kíp trực vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong lúc một nữ BS đang giải thích cho người nhà cần đưa bệnh nhân chụp CT thì 3-4 thanh niên xông vào văng tục, dọa nạt phải cứu ngay. Chưa kịp nói gì thêm, một thanh niên tung chân đạp mạnh vào bụng BS khiến chị ngã ngửa ra sau và ngất tại chỗ. Nhiều nhân viên y tế khác lao vào can ngăn cũng bị những thanh niên này ra tay tàn bạo.

Cách đây 2 tháng, một điều dưỡng ở BV Việt Đức cũng bị một kẻ du côn đưa người nhà đến cấp cứu đấm vào mặt. Tên này sau đó còn vu cho chị “vòi vĩnh tiền của người nhà bệnh nhân”. Một BS ở BV Việt Tiệp - Hải Phòng cho biết có thời điểm chưa đầy 10 ngày, tại Khoa Cấp cứu của BV xảy ra 3 vụ gây rối trật tự và hành hung BS. Đã có trường hợp nhân viên y tế bị nhóm bạn của bệnh nhân đánh hội đồng trọng thương, giảm 17% sức khỏe.

“Kinh nghiệm xương máu”

Trong khi các cơ quan chức năng Bộ Y tế lên án kịch liệt hành vi hành hung, xâm phạm thân thể, sức khỏe BS thì hành lang pháp lý để bảo vệ thầy thuốc vẫn còn rất mơ hồ. Ngay cả Luật Khám - Chữa bệnh cũng mới chỉ nêu rõ quyền lợi của bệnh nhân chứ cũng chưa đề cập trách nhiệm của người bệnh với thầy thuốc.

Có rất nhiều kinh nghiệm giúp BS và nhân viên y tế tránh được rắc rối với những “bệnh nhân đặc biệt”. “Hôm nọ, một người là dân giang hồ khi đưa vào Khoa Cấp cứu đã chết lâm sàng. Tuy thế, nếu thông báo ngay tin đó với những người đưa nạn nhân vào đây thì họ chắc chắn sẽ đập nát cả khu cấp cứu. Vì thế, chúng tôi vẫn cố gắng cứu người theo tinh thần còn nước còn tát, chờ cơn giận dữ của họ nguôi ngoai mới thông báo”, điều dưỡng viên Nguyễn Xuân Vinh tiết lộ.

Anh Vinh từng nhiều lần bị các đối tượng đầu gấu hành hung khi đang cấp cứu cho thân nhân họ. Đến mức, anh đã rút ra “kinh nghiệm xương máu”: “Quan trọng nhất là mình chỉ tập trung vào công việc cấp cứu, chữa trị cho người bệnh, còn những chuyện khác thì không nên để tâm, đặc biệt không nên đôi co với người nhà bệnh nhân”. Tuy thế, không phải là không có những tai bay vạ gió đến với BS. “Khi mất người thân, họ chỉ nghĩ rằng do BS tắc trách, sao nhãng công việc chuyên môn”, anh Vinh tâm sự.

Bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Khoa Cấp cứu ổ bụng BV Việt Đức, cho biết bệnh nhân và người nhà chửi mắng nhân viên y tế là “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng các BS vẫn phải nhẫn nhục và tập trung vào nhiệm vụ cứu người. Xác định thầy thuốc là nghề làm dâu trăm họ nhưng các bác sĩ trẻ cũng phải trải qua một vài lần va vấp thì mới có kinh nghiệm tự phòng vệ trước những hiểm nguy.

Sau cái chết của bác sĩ Phạm Đức Giàu, có rất nhiều thông tin trái chiều. Trong đó, có người cho rằng vụ sát hại BS ngay trong BV bắt nguồn từ thái độ phục vụ thiếu tận tình của các thầy thuốc.

 

Bản thân ở BV của tôi, cán bộ nhân viên luôn phải đối xử với mọi đối tượng như nhau. Với những trường hợp đặc biệt thì cũng phải đề phòng để tự bảo vệ cho bản thân mình. Ở BV tuyến huyện, vấn đề y đức, thái độ phục vụ càng phải được đề cao vì bệnh nhân tìm đến BV tuyến này trước tiên và cũng trông cậy vào các BS trước nhất”.

 

Bà Hoàng Thị Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành y tế, cho rằng không phải mọi bức xúc của người nhà bệnh nhân đều vô lý. Cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó không chỉ là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, thiếu nhiệt tình, cáu gắt... của BS khi tiếp xúc bệnh nhân mà thực tế đã có những sai sót dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, theo bà Thanh, nói đến y đức không chỉ riêng đối với cán bộ ngành y tế mà ngay cả chính bệnh nhân, người nhà và xã hội cùng vào cuộc thì mới thực sự hiệu quả.

 
 
 

Không thể dung thứ!

Thực tế, ở một số cơ sở y tế, khái niệm y đức luôn được nêu cao nhưng vấn đề đạo đức của người đến khám - chữa bệnh lại gần như không bao giờ được nhắc đến.

Chứng kiến cảnh một đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân chỉ thẳng vào mặt mắng: “Anh là đồ BS không có y đức. Anh đã thuộc câu “lương y như từ mẫu chưa?”, một thầy thuốc ở BV Việt Đức đã nhẹ nhàng vỗ vai người nhà bệnh nhân nói: “Anh muốn chúng tôi là “từ mẫu” nhưng anh đã làm tròn bổn phận của một “đứa con” với “cha mẹ” mình chưa? Có “con cái” nào hỗn láo, chỉ vào mặt “bố mẹ” quát tháo như anh không?”.

Chuyện BS không được bảo đảm an toàn khi cứu người ở những tình huống khẩn cấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám - chữa bệnh.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, việc hành hung BS hay cán bộ y tế khi họ đang làm nhiệm vụ là không thể chấp nhận được, đáng bị lên án mạnh mẽ và trừng phạt nghiêm khắc.

Ông Quang cho rằng trách nhiệm của BS và cả bệnh nhân đã được ghi rất rõ ràng trong nội quy của BV. Trong trường hợp bệnh nhân hoặc người nhà cảm thấy không hài lòng với thái độ phục vụ, khám - chữa bệnh của BS, họ có thể phản ánh lên ban giám đốc BV, gửi khiếu nại đến cơ quan chức năng. “Môi trường BV là nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Thầy thuốc cứu người cần được tôn trọng tuyệt đối bởi thiên chức của họ là cao cả”, ông Quang nhấn mạnh.

Trước tình trạng bạo lực tại các cơ sở y tế có dấu hiệu gia tăng một cách đáng ngại và nhiều BS đã trở thành nạn nhân, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám - Chữa bệnh - Bộ Y tế, đánh giá: “Hành vi hành hung, giết hại thầy thuốc khi đang làm nhiệm vụ là không thể dung thứ”. PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, bức xúc: “Cần có chế tài xử phạt thật nghiêm để những người đang làm nhiệm vụ cũng như nhân viên y tế yên tâm cứu chữa người bệnh”.

 

Theo Người lao động/Dân Trí