Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ năm 2020, 100% người dân Hà Nội sẽ được dùng nước sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội vừa được HĐND TP khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2.

Trong sáng ngày làm việc thứ 3 (3/8) của Kỳ họp thứ 2 khóa XV, HĐND TP Hà Nội đã đưa ra xem xét, thảo luận Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong 5 năm tới, Hà Nội đặt ra những nhiệm vụ chủ yếu gồm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu; Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường; Đổi với căn bản, toàn diện giáo dục, phát triển KH&CN, văn hóa - xã hội; Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Tứ trình bày kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ trình bày Kế hoạch phát triển 5 năm 2016 - 2020 của TP.
Cùng với đó, phát triển đồng bộ và hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nâng thôn được xem là một trong những khâu cần đột phá. Bên cạnh đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch cũng được xem là những việc cần làm trong quãng thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Tứ, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 được xác định ở mức từ 8,5 - 9%; GRDP bình quân/người vào khoảng 140 - 145 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế tới năm 2020: Dịch vụ 67 - 67,5%, công nghiệp - xây dựng 30 - 30,5%, nông nghiệp 2,5 - 3%; Vốn đầu tư xã hội nằm trong khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 100%; Tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 10 - 12m2/người...

Đối với phát triển kinh tế, Hà Nội sẽ tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh, tăng cường ứng dụng CNTT - KH&CN cũng như xây dựng ngành CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục phát triển hệ thống trung tâm thương mại cùng mạng lưới siêu thị. Khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng được đẩy mạnh, thoái hết vốn tại các DN không cần nắm giữ cố phần. Phấn đấu đăng ký thành lập 200.000 DN.

Lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục được tái cơ cấu gắn liên với công nghệ cao. Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp để tạo ra thực phẩm sách và an toàn. Tiếp tục chuyển đổi mô hình sản xuất kinh tế hộ sang sản xuất quy mô lớn, theo hướng trang trại, gia trại.

Đối với công tác quy hoạch sẽ tập trung nâng cao chất lượng với trọng tâm là triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hệ thống hạ tầng giao thông cũng được ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới cũng như nâng cao chất lượng xã hội hóa các dịch vụ đô thị.
Phần góp ý cho Kế hoạch diễn ra rất sôi nổi - ĐB Vũ Ngọc Anh
Đại biểu Vũ Ngọc Anh phát biểu. Ảnh: Thanh Hải
Việc quản lý, sử dụng tài nguyên có hiệu quả và bền vững sẽ được tăng cường quản lý khi Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học TP Hà Nội đến năm 2030. Bảo vệ môi trường cũng là một trong những mục tiêu dài hạn khi được khuyến khích đầu tư bằng vốn xã hội hóa và Quy hoạch Bảo vệ môi trường cũng sẽ được xây dựng.

Ngoài ra các lĩnh vực khác như văn hóa - thể thao sẽ hướng tới xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo được tập trung phát triển nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...

Trong báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội đã đề cập toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Thủ đô. Kế hoạch đã bán sát những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản phát triển Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020.

Trong phần góp ý của các ĐB, đánh giá cao và nhất trí với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội tuy nhiên ĐB Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) cho biết vẫn cần bổ sung một số quan trọng khác.
ĐB Nguyễn Minh Đức đóng góp ý kiến vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội (ảnh: Thanh Hải)
ĐB Nguyễn Minh Đức đóng góp ý kiến vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo ĐB, TP cần quan tâm hơn nữa tới tình hình xuất khẩu. Nếu như tháng 7 vừa qua, nhập khẩu của Hà Nội đạt hơn 7 tỷ USD nhưng xuất khẩu trong 5 năm qua chưa tháng nào quá 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sẽ chứng minh năng lực sản xuất của Hà Nội, vì vậy cần đưa xuất khẩu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Minh Đức cũng lưu ý hiện nguồn lực tài chính của Hà Nội đang rất lớn, vì vậy kế hoạch phát triển trong 5 năm tới cần quan tâm tới quỹ đầu tư của TP. Nếu phát huy được quỹ này, Hà Nội sẽ chủ động hơn được về mặt tài chính đối với các dự án trọng điểm.

Không những vậy, TP cũng cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề quy hoạch đô thị sông hồng, mô hình chính quyền đô thị, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới cần bổ sung những nội dung này.

"Ngoài ra, cũng cần rà soát lại các luật chung nhằm xây dựng cơ chế đặc thù cho Thủ đô, tạo cơ sở để UBND TP triển khai kế hoạch phát triển trong 5 năm tới. Đồng thời, cũng cần có giải pháp nhằm huy động người dân cũng tham gia chỉnh trang đô thị", ĐB Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai phát biểu. Ảnh: Thanh Hải
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai phát biểu. Ảnh: Thanh Hải
Trả lời góp ý trên, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch 5 năm không đặt ra chỉ tiêu cho xuất khẩu không phải vì ngành này không quan trọng, đây luôn là ngành được TP coi là ngành hàng đầu. Tuy nhiên do đặc thù của Hà Nội cũng như tình hình kinh tế trong và ngoài nước phức tạp, vì thế TP không đặt ra chỉ tiêu cứng trong 5 năm mà thay vào đó là chỉ tiêu cho từng năm. Cũng từ đó, TP sẽ có những chính sách hỗ trợ DN phù hợp hơn, tập trung vào DN có sản phẩm lợi thế xuất khẩu.

"Đối với vấn đề quy hoạch đô thị sông Hồng, TP cũng đang tích cực làm việc với T.Ư cùng Bộ NN&PTNT nhằm sớm đưa vào triển khai chỉnh trang 2 bên bờ sông Hồng", ông Nguyễn Văn Tứ nói.

Đặc biệt, HĐND TP cũng đồng ý nâng chỉ tiêu sử dụng nước sạch cho toàn TP đến năm 2020 lên mức 100%. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP, nếu 5 tới thực hiện được chỉ tiêu này thì đây là điều rất tốt, phục vụ đời sống người dân.

Với 92/92 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 87,62%), HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội.