Mới đây, TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tuyên án với 55 bị cáo trong vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại các Đội nghiệp vụ Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là vụ án tham nhũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nằm trong diện Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu theo dõi, chỉ đạo.
Trong 55 bị cáo có 7 bị cáo là cựu Thanh tra giao thông Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Lâm Hữu Trí, Trần Văn Dũng, Phạm Văn Dương, Trần Văn Minh, Võ Thanh Liêm, Trần Ngọc Huệ và Nguyễn Đức Tú. 49 bị cáo khác là giám đốc hoặc chủ cơ sở kinh doanh vận tải, xây dựng bị xét xử về tội Đưa hối lộ.
Qua vụ án này đã phơi bày ra một vấn nạn thực tế là không ít doanh nghiệp, chủ xe kinh doanh vận tải hàng hóa… ra đường phải "chung chi", làm luật. Việc chung chi tất nhiên để được thanh tra không làm khó dễ, bỏ qua các lỗi vi phạm. Người đưa và nhận hối lộ đều vi phạm pháp luật, việc đưa và nhận hối lộ ở đây là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông. Đây là vấn đề nhức nhối của ngành thanh tra giao thông khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án.
Nhìn lại quá trình xét hỏi tranh luận tại tòa, các bị cáo bị xét xử với tội danh "Đưa hối lộ" cho rằng, xe của họ dù chạy đúng hay sai thì nếu không thỏa thuận, chuyển tiền tháng cho bị cáo Lâm Hữu Trí và các thanh tra giao thông khác sẽ bị liên tục dừng kiểm tra, gây khó dễ ảnh hưởng đến việc làm ăn (bị cáo Lâm Hữu Trí là một trong 7 bị cáo là Thanh tra giao thông trong vụ án, được xác định là người có vai trò chính trong việc nhận hối lộ).
Tại phiên tòa, nhiều bị cáo là chủ xe, chủ doanh nghiệp kể lại việc bị o ép, kiểm tra xe liên tục dẫn đến phải chấp nhận đưa hối lộ cho thanh tra giao thông hàng tháng.
Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, lực lượng thanh tra được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Từ đây, những thanh tra giao thông trong vụ án với chức vụ của mình đã lợi dụng luật để dừng xe, gây khó dễ, ép buộc các chủ phương tiện, doanh nghiệp nhằm mục đích buộc họ phải chấp nhận đưa tiền tháng.
Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian gần 2 năm ( từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2023), các thanh tra là bị can trong vụ án đã nhận tổng cộng khoảng 6 tỷ đồng của 49 bị cáo là cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa cùng nhiều doanh nghiệp khác được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng với Luật Đường bộ 2024, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 tới đây thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ chấm dứt “tệ nạn” trên. Sẽ không còn quy định về thẩm quyền dừng phương tiện giao thông đối với thanh gia giao thông.
Theo đó, từ ngày 1/1/2025, thanh tra đường bộ có nhiệm vụ: thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ tại đơn vị vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ vận tải; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, trừ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe của lực lượng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan.