Từ ngày 1/1/2027, chợ, cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy
Kinhtedothi - Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm phát thải nhựa được HĐND quyết nghị tại Kỳ họp thứ 25 diễn ra sáng 10/7.
Theo đó, tại phiên làm việc sáng 10/7 của Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết Quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội (Thực hiện điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô) với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Nghị quyết này quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại trình bày tờ trình
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu, vật liệu nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nghị quyết đã nêu nguyên tắc giảm thiểu phát thải nhựa như sau: giảm phát thải nhựa là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân.
Chất thải nhựa phải được phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải nhựa hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.
Hạn chế tối đa và hướng đến việc dừng sản xuất, nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; có giải pháp thay thế bằng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Thu hồi, tái sử dụng, tái chế đối với bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Nghị quyết đã quyết nghị một số biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt, trong đó nêu rõ: doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhựa PE, PP trong các bao bì quy định tại điểm d, đ và điểm e khoản 2 Điều 77 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 6/1/2025 của Chính phủ, phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1/1/2028; phải sử dụng tối thiểu 30% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1/1/2030.

Các đại biểu tham gia biểu quyết thông qua nội dung nghị quyết
Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Về giảm phát thải nhựa trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ, biện pháp được đưa ra như sau: chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2027; đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường.
Chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.
Khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (gồm bàn chải đánh răng; dao cạo râu; tăm bông; mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng: kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc) kể từ ngày 1/1/2026.
Để giảm phát thải nhựa trong hoạt động sinh hoạt, HĐND TP quyết nghị biện pháp cụ thể như: các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm).
Không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 10/7
Ngoài ra, HĐND TP cũng quyết nghị một số biện pháp khác nhằm giảm phát thải nhựa khác như: khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện các biện pháp giảm phát thải nhựa sớm hơn lộ trình ban hành tại Nghị quyết này, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất cho hoạt động tái chế chất thải nhựa để được hưởng hỗ trợ, ưu đãi theo các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của thành phố và Trung ương ban hành.
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông sâu, rộng có hiệu quả đến mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nhận thức đầy đủ các quy định về giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, sản phẩm, hàng hoá chứa vi nhựa sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm tra xử lý theo quy định pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các đơn vị sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhựa.
Đồng thời, xây dựng và đưa vào chương trình giáo dục các cấp trong hệ thống giáo dục trên địa bàn thành phố về giảm thiểu chất thải nhựa; đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học đạt tiêu chuẩn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn...

Hà Nội: "chốt" hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học từ năm học 2025 - 2026
Kinhtedothi - Chiều 9/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học tại các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2025 - 2026. Mức hỗ trợ được phân chia theo vùng.

Hà Nội: thêm nhiều cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Kinhtedothi - Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu nhưng không quá 300 triệu đồng/doanh nghiệp/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố.

Phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội: hiệu quả, thẳng thắn và xây dựng
Kinhtedothi - Phiên chất vấn diễn ra hiệu quả, thẳng thắn và xây dựng, đã đề ra được các lộ trình, các giải pháp rất cụ thể. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy.