Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Từ nhà ra phố] Luật pháp bất vị thân

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ “xe điên” đâm hàng loạt phương tiện, khiến một nữ công nhân quét rác (Lê Thị Thu Hà) tử vong đã qua hơn mươi ngày.

Nỗi đau ấy chưa nguôi thì ngày 1/5 vừa qua, một lái xe ô tô đâm tử vong 2 phụ nữ tại hầm Kim Liên sau khi uống bia rượu.

Xã hội không khỏi lo ngại trước thực trạng lái xe sử dụng bia rượu, ma túy rồi gây tai nạn. Trung bình cả nước có hơn 600 con người tử nạn vì giao thông trong 3 tháng đầu năm nay. Trong Hội nghị trực tuyến về đảm bảo trật tự an toàn giao thông hôm 24/4, lãnh đạo Cục CSGT nêu thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chủ yếu do tài xế sử dụng ma túy, rượu bia, nhưng lại khó khi xử lý đối với những trường hợp say rượu. Nêu ví dụ tài xế dừng xe, bỏ xe đi, lãnh đạo Cục CSGT cho biết không có chế tài, không giao quyền hạn cho người có thẩm quyền nên không thể cẩu xe đi, cũng không bắt giữ người được.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nêu rõ rằng, hành vi cản trở giao thông là tội hình sự nên có thể xử lý hình sự, còn gây rối trật tự giao thông có thể tạm giữ hành chính. Những việc này có thể áp dụng theo quy định của pháp luật, không có gì vướng. Vấn đề là sử dụng pháp luật như thế nào cho đúng.

Tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn làm chết một người thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Vậy nên, chỉ cần lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm, chắc rằng nỗi lo tai nạn giao thông đang thường trực trong mỗi người dân sẽ vơi dần. Hành vi sử dụng bia rượu khi lái xe thật đáng lên án, rất cần được triệt tiêu càng sớm càng tốt. Đã có rất nhiều ý kiến đề xuất phải tăng mức xử phạt. Luật pháp bất vị thân - hãy thực thi nghiêm minh để triệt tiêu tài xế "ma men", để không còn những vụ tai nạn giao thông thương tâm.