Từ nhà ra phố: Những… “cánh tay tử thần”

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cánh tay tử thần” mà tôi muốn nói đến ở đây chính là những chiếc cẩu tháp đang hiện diện khắp các công trình xây dựng trên địa bàn TP.

Đã không ít vụ việc đau lòng xảy ra khi những chiếc cần cẩu đang đứng oai phong bỗng dưng… gục ngã!
Thực ra, việc những chiếc cần cẩu đang yên đang lành, bỗng “lăn đùng - ngã ngửa” là chuyện ngoài ý muốn. Tuy nhiên, rủi ro ấy có thể đến bất cứ lúc nào, từ việc sơ ý, chủ quan của người vận hành cần cẩu hoặc đến từ sự trục trặc kỹ thuật của thiết bị. Tuy nhiên, nó lại trở thành nỗi ám ảnh của không biết bao người khi tham gia giao thông. Ví như vụ cần cẩu bất ngờ đổ sập, đè lên nóc nhà dân vào tối 18/10/2016, khi đang thi công dự án chung cư cao tầng tại Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội); hay vụ cần cẩu đổ rầm xuống một cửa hàng vàng, dây thép văng ra quật ngã người phụ nữ mang thai đang chạy xe máy trên phố Cầu Giấy vào tối 12/5/2015, sau vài tiếng rắc rắc...; cùng những vụ việc tương tự xảy ra trước đó ở Nghệ An, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh… đã biến những công trình có cẩu tháp vô hình trung trở thành nỗi khiếp đảm cho người đi ngang qua.
Công bằng mà nói, trong thời buổi hàng loạt “nhà cao, cao mãi”… thi nhau mọc lên trên địa bàn TP, vai trò của những chiếc cẩu tháp là vô cùng quan trọng. Vì không có nó, sức người không thể “kham” nổi, hàng núi sắt thép, xi măng... lên đến lưng chừng trời! Song, việc thi công vận hành thiếu an toàn để người tham gia giao thông luôn bất an là điều khó chấp nhận.
Được biết, UBND TP đã có quy định về việc vận hành cần cẩu (trong thi công xây dựng) từ năm 2011, nhưng những sự cố kinh hoàng từ đổ cần cẩu vẫn xảy ra. Chính vì vậy, không ít người bảo nhau, nếu không có việc cần thiết nên tránh xa những nơi có mấy “anh” cần trục cần cẩu, bởi hiểm họa thật khó lường.