Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ nhà ra phố: Phố ngập vì đâu?

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy hôm nay, trời Hà Nội mưa liên tục. Nhiều khu phố đã trở thành sông, cư dân bì bõm. Nghề “vận tải thủy nội đô” có cơ hội hốt bạc.

Nhưng thôi, chuyện này âu cũng là tồn tại của sự phát triển… Ở đây ta nên bàn đến nguyên nhân của sự ngập – đã trở thành kinh niên ở Hà Nội mấy năm trở lại đây.
  Đường Trường Chinh - Tôn Thất Tùng đã ngập nặng. Ảnh: Trình Vũ
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngập lụt ở Hà Nội là do lấp hết ao hồ xây dựng nhà cửa, điều này đúng. Bởi Hà Nội vốn là “phía trong sông”, việc lấp ao, hồ phần nào đó đã hạn chế sự tiêu úng. Nhưng về nguyên tắc trong xây dựng, bao giờ cũng có cấp và thoát nước.Vì vậy, bất kỳ công trình xây dựng nào đều phải đáp ứng đủ hai tiêu chí này.
Tuy nhiên, thực tế lại khác, phần lớn tổ chức, cá nhân khi xây dựng công trình đều có tâm lý “khéo kiếm thì no – khéo co thì ấm”. Vì thế, nhà xây chèn lên cống, chặn dòng chảy, thời buổi tấc đất tấc vàng, nên đừng bao giờ hy vọng ai đó khi xây dựng lại có tư tưởng… lấy đất của mình làm cống thoát nước chung.
Dù TP Hà Nội đã dành hàng trăm triệu USD cho các dự án thoát nước, nhưng với tình trạng đua nhau xây các khu đô thị mà không tính đến hệ thống thoát nước nên cứ mưa là ngập. Mỗi khi trời mưa, ai đó hãy ra các con sông như Tô Lịch, Lừ, Sét, Nhuệ, sông Đáy… mới thấy hết sự hãi hùng. Trên mặt phố, người ta chỉ thấy ngập, nhưng dưới lòng sông là “kính thưa” các loại rác từ mọi ngóc ngách trong lòng TP “thốc” ra! Nếu không có hệ thống lưới cản, chỉ cần vài phút vận hành, động cơ của máy bơm có làm bằng… kim cương cũng “tèo” vì rác cuộn.
Quanh năm suốt tháng, công nhân ngành thoát nước hì hục moi dưới hệ thống cống của TP không biết cơ man nào là rác. Nhưng việc làm đó cũng thành… công dã tràng. Đến khi trời đổ mưa, rác thải từ mọi ngóc ngách lại ngập tràn các miệng cống, lòng sông.
Rác ở đâu ra mà lắm vậy? Xin thưa, tất cả là do con người. Hình như việc xả rác bừa bãi đã trở thành thói quen của không ít người. Nhỏ là dăm cái vỏ hộp sữa, nắm vỏ hoa quả hay cuộng rau, lớn thì cả xe phế thải xây dựng… cứ đợi ngành chức năng vắng mặt là để ra đường. Các đơn vị thu gom có "ba đầu, sáu tay" cũng không thể dẹp hết được.
Các loại rác xả vô trách nhiệm này (bằng nhiều cách) sẽ tuồn xuống cống rãnh và nằm tại đó. Lâu ngày nó trở thành những cái “nút”, bịt kín đường thoát mỗi khi trời mưa dài ngày…
Chặn và bịt đường thoát là hai nguyên nhân chính dẫn đến úng ngập. Cái “chặn” (việc thoát nước), phải có sự ra tay của ngành chức năng mới xử lý triệt để được. Nhưng nếu mỗi người ý thức hơn trong việc xả rác, chắc chắn sẽ hạn chế được sự “bịt” của dòng nước mỗi khi mùa mưa về…