"Ông vua” vẫn mỗi ngày lội ruộng, thăm vườn
Dù danh tiếng đã vang xa, ông Long vẫn giữ thói quen mỗi ngày lội ruộng và thăm vườn. Ông thường xuyên trả lời điện thoại với những câu nói như “Tôi đang ở dưới ruộng, chăm sóc vườn cây” hoặc “Tôi đang dẫn đối tác khảo sát vườn cây để hợp tác xuất khẩu sầu riêng”.
Mỗi ngày, ông miệt mài chăm sóc từng gốc sầu riêng, hướng dẫn lao động kỹ thuật và quan tâm về biến động giá cả thị trường. Ông luôn có mặt tại các vườn sầu riêng và nhà máy để giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo mọi tiêu chuẩn xuất khẩu được thực hiện nghiêm ngặt.
Tháng 8/2024, khi chúng tôi thăm cơ sở sản xuất của ông Long, không khó để nhận thấy quy mô ấn tượng của nhà máy. Các khu vực như xưởng tách vỏ, xưởng sấy và kho lạnh chiếm diện tích lên tới 3 héc ta, với hàng trăm công nhân làm việc chăm chỉ để xử lý sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Long cho biết, Công ty của ông hợp tác với 16 hợp tác xã sản xuất sầu riêng trong khu vực, nhập hàng trăm tấn sầu riêng mỗi ngày để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu. Quanh năm, Công ty ông có lượng sầu riêng ổn định để xuất đi Trung Quốc và các đối tác khác.
Nhớ lại thuở ban đầu làm quen với sầu riêng, ông Long cho biết, cách đây khoảng 30 năm, vợ chồng ông từ quê Hà Tĩnh vào vùng đất Lâm Đồng lập nghiệp. Sau một năm, từ người không biết gì về sầu riêng, ông trở thành người hiểu biết sâu sắc về cách trồng, chăm sóc, cách khai thác giá trị của sầu riêng. Ông chỉ cần gõ con dao lên trái sầu riêng là biết vỏ dày hay mỏng, hạt to hay lép, cơm (múi sầu riêng) khô hay ướt, nhìn màu sắc trái sầu riêng là biết trái non hay già...
Khai mở tiềm năng, nâng cao giá trị sầu riêng
Ông Long nhớ lại những ngày đầu khó khăn khi giá sầu riêng biến động mạnh. Sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu tiểu ngạch và những bất ổn về giá đã khiến ngành sầu riêng gặp nhiều thử thách. Tuy nhiên, ông cho rằng thời điểm khó khăn đã qua, và cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các bên liên quan, ngành sầu riêng Việt Nam đã vươn lên một tầm cao mới.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu. Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam, đặc biệt là trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và giảm rủi ro từ việc phụ thuộc vào sản phẩm tươi. Trung Quốc là thị trường chủ lực của trái sầu riêng, nhu cầu của người tiêu dùng tại quốc gia này còn rất cao.
Ông Long nhận định, ngành sầu riêng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh việc sử dụng múi sầu riêng, phần vỏ cũng có giá trị kinh tế cao và đang được tận dụng để sản xuất thực phẩm bổ dưỡng xuất khẩu.
“Nhiều đối tác đang đặt hàng Công ty chúng tôi sản xuất phần vỏ sầu riêng với giá trị kinh tế rất cao. Đón đầu khai thác thêm phần vỏ sầu riêng sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế cho nhà nông và kinh doanh”- "ông vua” sầu riêng chia sẻ.