70 năm giải phóng Thủ đô

Tủ sách của cha

Trần Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã bao năm rồi, chiếc giá sách im lìm dựa lưng vào bức tường cũ cùng với những cuốn sách in dấu tuổi thơ. Giá sách cha tôi đóng từ những mảnh gỗ tạp sần sùi, thô nhám có chiếc màn mỏng phủ che những giá trị Đông Tây kim cổ.

 Ảnh minh họa
Hồi nhỏ có lần tôi đã định hỏi cha rồi lại thôi, vì thấy ở một số gia đình đóng những chiếc tủ sách đồ sộ bằng gỗ quý, rồi bày ở phòng khách, trong khi cha lại bày khiêm tốn ở một góc phòng sinh hoạt gia đình. Sau này tôi hiểu, đọc sách cho riêng mình chứ đâu để khoe thiên kinh vạn quyển. 
Thiên hạ đến với sách theo nhiều con đường khác nhau: Đọc để phục vụ công việc; để thanh lọc, tĩnh tâm; để đi tìm ký ức; để lớn khôn...; có nhiều người lại thích “chủ nghĩa trích dẫn”, khoe học vấn “siêu phàm” vì sợ người đời không thấu hiểu... Sách là thày, là bạn, là gương soi, lại cũng là “bia đỡ đạn” che chắn cho những rỗng tuếch. Đọc nghìn lẻ một kiểu, thì viết cũng ngần ấy cách.

Những con mọt tấn công vào những cuốn sách, làm xô lệch những con chữ vương bụi, nhưng ký ức thì mãi còn. Những thời khắc của chiến tranh, bom đạn, của một thời bao cấp nhọc nhằn miếng cơm manh áo, nhưng mãi mãi không chịu nghèo nàn con chữ. Trong hốc tủ tối om, đống mọt trêu ngươi, những cuốn sách như còn đọng những giọt sương lạnh mùa Đông xơ xác.
Trên căn gác cũ, mẹ đọc cho tôi những dòng chữ đầu tiên, tôi chập chững bước vào một thế giới của những hồn hậu. Những cuốn sách đó vẫn ở lại trong những ngày bom dội. Chiếc hầm trú ẩn trước nhà; những ô kính phòng không dán mờ giấy báo; và những cuốn sách ấm lòng... lặng lẽ kể những câu chuyện một thời...

Những năm đầu đổi mới, dù đã thoát ra khỏi chiến tranh, đã vượt ra khỏi thời phiếu tem bao cấp, nhưng cuộc sống vẫn còn oằn gánh nặng lên vai mỗi gia đình. Sách thời đó là một thứ xa xỉ. Lớp tôi có những bạn co ro trong cơn rét, đói, nằm dài ký túc xá đọc sách quên ăn. Sách như người bạn thân quý vô cùng...

Mới đây, một đồng nghiệp nữ tâm sự, nhiều ngày cuối mùa Đông, những dòng chữ trên những bức thư của người thân, bè bạn đã giúp chị đứng vững trước những biến cố. Bây giờ thưa thớt những dòng chữ tâm tình trên những lá thư; cũng ít người dạy trẻ con yêu thương con vật, cái cây trước nhà, dòng nước mát lành bên suối... Những trang sách cũng ngày càng lạc lõng. Người ta dễ vô cảm trước cái đẹp, lòng cao thượng, vô cảm trước sự hào sảng.

Lũ trẻ ở nhà, mới vài tuổi đầu, đã than thở “không có thời gian” khi mà bố mẹ nhắc là phải tập thói quen đọc sách. Mới tí tuổi mà phát biểu như người lớn, nhưng đó là sự thật: Chúng không có thời gian. Ngắm nghía con mình, thấy chúng tồi tội như những con gà công nghiệp, tồ tồ với đôi mắt kính và chiếc ba lô to đùng. Như người lớn, chúng cũng phải chọn những thứ giải trí “mì ăn liền”. Chúng già hơn so với độ tuổi của mình... Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, những con chữ vẫn níu chúng ta lại với cuộc sống này.

Người ta vẫn có thể tìm thấy nhau qua những trang sách in thật xấu, giấy thật đen và con chữ hoen mờ theo thời gian. Từ những trang sách tìm thấy những gì mình đánh mất và cả những điều bí ẩn đang chờ phía trước. Tôi tin là nhiều nhà văn khi đặt bút lên giấy trắng không phải ai cũng kỳ vọng một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, cuốn sách sẽ ở lại.
Họ viết, trước hết cho chính lòng mình, viết như là cách ghi ra giấy những thôi thúc. Nhưng rồi, cuốn sách đã ở lại, những con chữ đã ở lại và sống thêm những đời sống khác. Và sẽ còn sống rất lâu để nối với mỗi cuộc đời - năm tháng.