Từ tấm thẻ thư viện...

Nhật Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học mới lại ngấp nghé bên thềm. Hanh hao Thu đan trong vàng nắng Hạ cứ làm người tóc pha khói sương bồi hồi nhớ.

Nhớ sân trường vàng sắc nắng, nhớ buổi khai giảng đơn sơ mà ấm nồng, nhớ nhất những lao xao ở góc thư viện để mượn sách, làm thẻ đọc, thẻ mượn… Cuộc sống hiện đại mang theo bao đổi thay, thư viện, sách và sân trường cũng khác - cái khác mang theo hơi thở thời đại, song hành trình đi và đến với tấm vé thông hành đến tương lai là chiếc Thẻ thư viện, không thể nào phôi phai trong lòng người Hà Nội.

Còn trong ký ức

Thế hệ sinh ra và lớn lên trong những thập niên 1960 - 1970 ở Hà Nội đã quen với hình ảnh một ngọn đèn, vài ba cuốn sách cũ mượn thư viện để mê mải đọc và ghi. Độ Thu vừa chớm, khai giảng ngấp nghé bên thềm là đứa nào đứa nấy khấp khởi lục tìm thẻ thư viện xem hạn còn hay hết để sắp sẵn danh mục sách sẽ mượn… Truyện ngắn hay tiểu thuyết chỉ là một góc của say mê, còn phần nhiều là sách giáo khoa cho một năm học mới ở phía trước.

Còn nhớ những tháng năm đó, thư viện trường là nơi quen thuộc của lũ học trò, càng học lên cao, thư viện càng như bầu bạn. Những cô, cậu đang “dùi mài kinh sử” mong bước được qua cánh cổng trường đại học, những cô cậu đã được ghi danh sinh viên thì khỏi phải nói, ghế trong thư viện chẳng khác gì chỗ ngồi trên giảng đường. Thậm chí, ai nấy đều kỳ công có cho bằng được tấm thẻ Thư viện Quốc gia hoặc Thư viện Hà Nội, rồi Thư viện Quân đội, Thư viện Khoa học xã hội và nhân văn ghi tên mình.

Đông đảo bạn đọc tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
Đông đảo bạn đọc tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh

Phố Tràng Thi nơi có Thư viện Quốc gia, phố Lý Nam Đế nơi có Thư viện Quân đội, phố Bà Triệu - “nơi ở” của Thư viện Hà Nội và phố Lý Thường Kiệt - nơi tọa lạc của Thư viện Khoa học xã hội và nhân văn, cách khu Cao - Xà - Lá, nơi hội tụ của mấy trường đại học lớn cả chặng đường dài, thế mà cô cậu cử nào cũng phải tìm cho mình một chỗ ngồi trong bạt ngàn sách báo. Và bao kỷ niệm thời cắp sách đến trường, thời ngồi ghế giảng đường đã hình thành qua khung cửa sổ mơ màng nơi thư viện, rồi ở yên trong ký ức mênh mang cho đến tận bây giờ.

Còn nhớ những năm tháng đó, cứ sau ngày khai giảng năm học mới, là lũ học trò lại ghi phiếu đăng ký mượn sách giáo khoa ở thư viện trường. Mượn cả bộ sách, dùng từ đầu năm học đến cuối năm học mới trả lại, kho sách thư viện trường cũng vì thế mà đến kỳ nghỉ hè mới ngập tràn các kệ sách giáo khoa từng khối lớp. Học sinh lớp trên trả sách, lại đến học sinh lớp dưới mượn về; thế nên một gia đình chỉ cần có một bộ sách là đủ dùng cho cả mấy đứa con.

Cũng vì thế mà thuở ấy, cứ đầu năm học là thầy cô giáo chủ nhiệm lại hướng dẫn học sinh bọc bìa sách bằng họa báo để cho lề, gáy sách khỏi sờn rách và sách đỡ bị cũ. Lũ học sinh “nhất quỷ nhì ma” ở Hà Nội cũng tự kiềm chế vẽ, viết, đánh dấu vào bài học trong mỗi cuốn sách giáo khoa mượn thư viện ấy… Sách giáo khoa đã thế, truyện đọc hay sách tham khảo lại càng cần lên thư viện để tìm. Vậy nên tấm thẻ thư viện cứ như vật bất ly thân, như hành trang xinh xắn trong suốt quãng đời học trò của mỗi người.

Cuộc sống đổi thay theo nhịp điệu đô thị hóa, sách và thư viện cũng theo xu hướng số hóa đi vào thị trường đọc, sách giáo khoa trăm hoa đua nở. Tấm thẻ thư viện cũng khác trước, song vẫn là góc hoài niệm đầy nhớ thương của người Hà Nội. Chẳng thế mà cuộc triển lãm “Sách giáo khoa Việt Nam qua các thời kỳ” từng được Bộ GD&ĐT tổ chức 2 ngày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã hấp dẫn không biết bao nhiêu độc giả đến để tìm lại ký ức tuổi thơ một thời.

Đổi mới hôm nay

Năm học mới 2024 - 2025 lại cận kề, câu chuyện bắt đầu từ tấm thẻ thư viện khiến người ta nghĩ tới sách của ngày hôm nay. Không thể phủ nhận, xã hội càng phát triển, sách càng phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hấp dẫn hơn. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ bây giờ, sách có mặt ở hầu khắp các nền tảng mạng xã hội. Áp dụng chuyển đổi số trong cách thức tiếp cận cũng là con đường giúp sách đến gần hơn với bạn đọc, bởi bất cứ thời gian, không gian nào cũng có thể đọc online, nghe sách điện tử, thu thập cho mình lượng kiến thức cần thiết.

Sách giáo khoa cũng vậy, sau một chặng đường đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, hành trang đến trường của mỗi học sinh ở từng cấp học là một bộ sách riêng.

Năm học 2024 - 2025 này còn là năm đầu tiên, giáo viên được trao quyền lựa chọn bộ sách để dạy học trong bối cảnh thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa, trên cơ sở nghiên cứu, nhận xét đánh giá các sách trong danh mục sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt; Hiệu trưởng nhà trường được trao quyền thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy ở đơn vị mình.

Nghĩa là, sách giáo khoa không còn có thể tiếp quản từ anh sang em trong một gia đình, cũng không thể lên thư viện trường mượn sách như xưa. Cách sử dụng sách giáo khoa, thói quen bọc sách giữ sách của học trò cũng khác… Tuy vậy, đây cũng được nhìn nhận là một đổi mới nhằm bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy, học của từng trường.

Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội, Thư viện Quân đội, Thư viện Khoa học xã hội và nhân văn… vẫn trầm mặc trên những con phố quen thuở nào, vẫn cập nhật sách mới và số hóa việc vận hành thư viện theo xu thế mới, vẫn đón bạn đọc vào các trưng bày chuyên đề. Nhưng tấm thẻ thư viện quý giá thuở nào, dường như giờ đã “cụm” lại trong một nhóm bạn đọc đặc thù. Ấy là những người làm công tác nghiên cứu, nhóm những sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp…

Ngay cả cách tra cứu, thu thập tài liệu của người đến thư viện bây giờ cũng khác xưa, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã hòa mình vào cuộc sống hiện đại.

Chợt nhớ ai đó đã nói: “Không phải sách giáo khoa, sách xuất bản bây giờ không hay, không phải tấm thẻ thư viện vắng dần là văn hóa đọc phôi phai. Những thứ thân quen xưa cũ luôn ghi dấu ký ức đẹp một thời, cũng là dấu mốc để nhìn về những đổi mới hôm nay ở Hà Nội! Xưa và nay đều đáng trân trọng và đáng để tự hào”.

Lịch sử phát triển tất yếu có những thay thế nhất định. Từ sách giấy đến sách online, từ không gian đọc còn nhiều thiếu thốn đến không gian tiện nghi, hiện đại… và câu chuyện từ tấm thẻ thư viện trở thành chứng nhân cho những đổi thay của đời sống Hà thành. Dẫu vậy, văn hóa đọc vẫn là thứ không thể đổi thay dù sách có “hóa thân” trong bất cứ hình thức nào.