Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ "Thăng Long phi chiến địa" đến Thành phố vì hòa bình

Bài, ảnh: Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính nhờ những trải nghiệm chiến tranh mà dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng trân trọng những giá trị của hòa bình.

Tại Hội thảo "Hà Nội - Thành phố vì hoà bình, 20 năm hội nhập và phát triển” diễn ra ngày 13/7, Nhà sử học Dương Trung Quốc đã chia sẻ góc nhìn từ lịch sử để nhấn mạnh tinh thần vì hòa bình của Thủ đô ngàn năm tuổi. 

“Đến Hà Nội ngày nay, du khách quốc tế đến Hà Nội sẽ thấy khung cảnh thanh bình, như câu thành ngữ lâu đời “Thăng long phi chiến địa” cho thấy trong tâm thức người Hà Nội luôn cảm thấy Thủ đô là một nơi hòa bình”, ông Dương Trung Quốc nói.

Thăng Long có thật sự “phi chiến địa”?

Nhà sử học đã điểm lại những mốc chiến tranh đau thương của Hà Nội để có cái nhìn rõ hơn về câu thành ngữ này. 

 Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo. 

“Nhưng 40 năm trước, nếu đến Hà Nội sẽ gặp cảnh đào chiến hào để ứng phó chiến tranh biên biới phía Bắc. Lội lại 65 năm trước là khung cảnh Hà Nội đón đoàn quân chiến thắng trở về kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp bằng thắng lợi Điện Biên Phủ

136 năm trước, Hà Nội bắt đầu bị quân xâm lược Pháp chiếm đóng, mở ra 80 năm dưới ách đô hộ của chế độ thuộc địa Pháp. 230 năm trước, chúng ta kết thúc cuộc chiến tranh chống xâm lược phương Bắc, đỉnh cao là chiến thắng Tây Sơn. Ngược lên 591 năm trước, Việt Nam mới được giải phóng sau 10 năm đô hộ phương Bắc nhờ chiến thắng của quân đội nhà Lê. Đó cũng là thời điểm phát tích câu chuyện truyền thuyết đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Thủ đô cũng như du khách quốc tế về vua Lê trả gươm cho rùa thần”, ông Dương Trung Quốc điểm lại.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, những mốc lịch sử trên cho thấy Thăng Long không phải là nơi “phi chiến địa” nếu không nói là nơi diễn ra rất nhiều cuộc chiến trong lịch sử.

Nhưng những câu chuyện trên cũng cho thấy tâm thế của người dân Việt Nam là sau khi kết thúc xung đột chiến tranh đều hướng tới thái bình và hữu nghị. 

Trân trọng chiến thắng, tôn vinh hòa bình

Điểm mấu chốt là người Việt Nam trân trọng chiến thắng trong quá khứ, đồng thời luôn tôn vinh tư tưởng xuyên suốt là dân tộc Việt Nam muốn hòa hiếu với tất cả dân tộc khác, tôn vinh tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gói gọn trong câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Việt Nam hiện nay nhứng kiến công cuộc đổi mới kinh tế và hội nhập mạnh mẽ với thế giới, trong ước vọng chung là hướng tới hòa bình. Cho đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có quan hệ rộng rãi với cộng đồng thế giới, hầu như những đối thủ năm xưa trở thành những đối tác tích cực, cùng hướng tới sự phát triển chung.

“Chính nhờ những trải nghiệm chiến tranh mà dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng trân trọng những giá trị của hòa bình”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Năm 2019 đánh dấu 20 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999-16/7/2019).